CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 46   

Những người mẹ biên thùy

“Tôi luôn cầu mong cho hai chị ấy, Năm Chăm và Hai A sống lâu, thật lâu, để… làm gương cho cánh đàn ông. Khi biên giới nguy kịch dưới tay Pol Pot, khi rất nhiều người sợ hãi, hai người đàn bà bình dị đó đã không tiếc mạng sống của mình trong mấy trăm trận chặn địch, bảo vệ từng tấc đất, từng mạng sống của bà con vùng biên. Họ là anh hùng trong lòng tôi”. Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Phúc, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Biên giới Tây Nam năm 1979. Dưới đây là chuyện của hai người phụ nữ ấy mà tôi đã may mắn được gặp và ghi lại. Chuyện của cô Năm Chăm: Dù gần tám mươi, giặc sang vẫn đánh

Tôi đánh Pol Pot từ năm 1977.

Ngày 10/11/1977 tôi đang là Xã đội trưởng xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thì được điều qua chi viện cho xã Nhân Hội cùng huyện, vì Pol Pot đã chiếm xã Nhân Hội trước đó. Nó cũng chiếm nhiều nơi khác nữa. Nhưng mình vừa giải phóng xong, mọi người đang mừng vui lơi súng về với gia đình nên lực lượng rất mỏng. Chủ lực cũng chưa sẵn sàng, vì bên mình nghĩ tụi nó gây hấn kiểu lặt vặt nên không quan tâm. Nhưng tôi biết tình hình không đơn giản như vậy. Biên giới chưa khi nào bình yên. Bản thân người lính trong tôi chưa bao giờ thả lỏng ở trạng thái xả hơi dù Phước Hưng chỗ tôi không phải là điểm nóng. Chính vì tinh thần đó mà chúng tôi luôn là những người được Huyện đội nghĩ tới khi cần.

Tôi dẫn qua Nhân Hội một trung đội. Ồ, không nhiều như cô nghĩ đâu. Chỉ mười mấy người thôi, làm gì du kích mà có đông quân như chủ lực hả cô.

Tụi tôi vừa tới đường nước lớn chỗ đại đội 3, mới bò ra, chưa kịp củng cố đội hình đã nghe tiếng “trô trô”. Tội nghiệp, du kích của tôi nào giờ chưa từng nghe tiếng Khmer nên hỏi nhau, Chà Và ở đâu mà nói chuyện lạ vậy Năm? Tôi nói không phải Chà Và đâu, nó đó, trô trô là tiến lên tiến lên đó. Mười lăm phút sau giáp chiến. May mà thường ngày tôi hay gặp bộ đội chủ lực nên xin được nhiều lựu đạn. Chúng tôi đánh chủ yếu bằng lựu đạn. Suốt gần năm tiếng đồng hồ chúng không tiến sâu vô được nên rút. Tuy nhiên, trung đội của tôi vẫn phải ôm hầm chờ. Biết nó trở lại khi nào. Sáng ra thu chiến lợi phẩm thấy tụi nó còn bỏ lại ba xác. Tôi giở mặt nhìn. Toàn là mười bảy mười tám, nhỏ nhỏ không hà.

Tháng 2/1978, huyện đội điều tôi về nhà ở Phước Hưng vì nó đánh ở đó. Ở Phước Hưng lúc đó có Trung đoàn 2 của Sư 330. Sư đoàn này lúc đó đánh lên cầu sắt Đồng Ky. Quá hi sinh cô ơi. Gom ba lô chất đầy hai xe GMC. Cô không biết đâu. Khi đánh phòng ngự mình không sợ, chỉ sợ đánh phục hồi. Nghĩa là khi nó đã chiếm rồi mình đánh lấy lại đó. Như mình vô nhà người ta vậy, sao mà không chết. Đánh phục hồi mất dữ lắm, hao binh dữ lắm.

Tháng 4/1978, khoảng năm giờ, nghe nói tụi Pol Pot tràn ra đốt nhà giết người chỗ đình, tôi chạy ra hè, thấy chúng cầm cây rọi chạy cời cời. Tôi cho du kích đuổi theo xuống tới chùa. Lúc đó, một nhóm Pol Pot khác lòn phía dưới nhà tôi, tràn ra đường. Chúng bắn ba thường dân đang chạy xe, hai nam một nữ, chết tại chỗ. Cách hoạt động của chúng là tràn ra giết người rồi lui về biên giới như mấy con chồn ở trong rừng tràn vô xóm bắt gà rồi lủi vô rừng.

Hay tin dữ, đơn vị tôi quay lại. Lúc đó pháo của nó ở Phú Hội giội qua như mưa, du kích không thể đi đường cái, phải rà theo mé sông, tới mương đình chung vô cống leo lên bờ.

Ở gò ngoài hè, bộ đội rút còn bỏ lại một khẩu 12 li 7, một cối 6, nên chúng tôi mang theo luôn. Họ đi gấp đặng đánh ở đâu đó. Tại chủ lực của tụi Pol Pot đổi mặt trận liên tục nên chủ lực của mình cũng đổi theo. Lúc đó tụi nó sắp tràn vô Phước Hưng rồi. Trên mương Tám Sớm, chúng chạy dỏng lưng như chốn không người.

Tôi lệnh bắn.

Tụi nó hoảng rút chạy. Nhưng chúng tôi vẫn nằm dưới công sự cảnh giới tới khuya vì sợ tụi nó trở lại bắn người đốt nhà khi dân mình ngủ hết. Như vụ mấy ngàn người ở Ba Chúc...

Mười hai giờ, tạm yên, tôi với mấy anh em du kích ra thu chiến lợi phẩm. Thấy mấy cái xác Pol Pot nằm đó nhưng chớ vội nhào vô, lơ mơ là ăn lựu đạn. Ừa, nó gài trong xác chết. Chết với những cái xác chớ không phải giỡn chơi. Thì cũng như ở Nhân Hội, những cái xác mười bảy mười tám. Chưa bao giờ tôi lại đối đầu với kẻ địch non nớt như vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ tôi đối mặt với đối thủ khó lường như vậy. Đó là lí do bộ đội phía Bắc vào đây hi sinh nhiều. Địa phương quân ở huyện khác về cũng hi sinh nhiều. Vì họ đánh với những kẻ chưa quá hai mươi - những kẻ cứ như những họng súng di động, không cần biết nơi đó đối phương đang bố trí cạm bẫy kiểu gì, cứ thấy đường trống là tràn vào, thấy hơi người là bườn tới.

Cô coi, bộ đội đào công sự dọc theo biên giới, dựng pháo yểm trợ. Yên tâm không có thằng địch nào lại điên mà dám tràn vào đánh kiểu trườn mặt giữa đồng trống nên họ chủ quan không đề phòng, tới khi nhìn lên miệng công sự thì bọn Pol Pot đã đứng cách chưa đầy sải tay, xả súng xuống...

Tôi chiến đấu với những tên lính nguy hiểm như thế. Với tôi, đứng giữa cuộc chiến, không có sợ hãi mà chỉ có đánh như thế nào ít thương vong nhất. Còn chết hay sống là chuyện của viên đạn. Từ ngày đánh Mĩ ngày nào mà tôi không nhìn thấy cái chết. Cái chết kế bên, nó quen như một cây súng hay cái ba lô. Quen đến nỗi khi nghe tin chồng hi sinh, tôi đứng lặng bên công sự nhìn về hướng quê nhà. Đau đến mụ người. Nhưng tôi đã bặm môi không khóc. Năm đó tôi mới hai mấy chớ nhiêu, mới sanh con nhỏ út mười tháng. Tôi đang ở trên căn cứ B2, bị lộ nên phải rút vô hoạt động bí mật, thành công dân bất hợp pháp. Bốn đứa con hết thảy, ba đứa ở nhà, một đứa còn bú theo tôi lên căn cứ, khi chồng chết, tôi gởi luôn cho má rồi đi công tác. Nhớ con lắm. Lâu lâu xuống Châu Đốc nhắn má đem tụi nhỏ xuống cho thăm một chút rồi về. Chớ về xóm bị bắt là chết à. Tôi đã bị bắt một lần hồi đánh Mĩ. Bị giam hai năm năm tháng. Tù chính trị thì cô biết đó, bị tra tấn khỏi nói rồi. Tụi nó có hai hình thức tra tấn là đi tàu lặn và đi tàu bay. Tàu lặn là trói mình, quăng vô thùng rồi đổ nước cho ngộp. Còn tôi thì nó cho đi tàu bay. Nó trói thắt ngang bụng mình, hai tay hai chân chạm đất như con vật bốn chân rồi châm điện. Khi đó mình co rút tay chân lại treo tòn ten như đang bay trên không. Khi nó châm điện thì trong đầu mình nẩy lửa. Khi cục lửa bằng ngón chân thì người tê cứng đau đớn lắm, nhưng khi cục lửa bằng cái chén thì chết queo rồi. Chết rồi tỉnh. Tỉnh thì tiếp tục bị tra hỏi. Nếu tôi sợ đau khai ra thì thôi. Nhưng chúng đánh tôi thì như đánh gốc cây thôi, đánh hoài cũng vậy. Da thịt người chớ phải sắt đá gì mà không đau cô. Nhưng tôi chịu được. Ngay cả khi nó dùng điện kẹp vào mí mắt tôi. Cái thẹo nè cô. Mắt tôi trong lúc chiến đấu bị cây quẹt, hư một con. Nó nói kẹp điện cho con còn lại hư luôn, cho tôi mù luôn để khỏi theo giặc. Những lúc đó tôi cảm thấy đau nhưng không cảm thấy muốn khóc hay cần khóc. Khóc không phải giống như chuyện uống rượu hay cười nói, không phải nói muốn khóc là khóc được. Phải như thế nào đó. Ức hiếp lắm hay là sợ hãi lắm. Còn với kẻ thù, chúng đánh mình, giết mình là bình thường mà. Đã dám theo cách mạng thì phải dám chịu gai góc, phải trả giá. Tôi trước sau gì cũng nghĩ như vậy. Bởi thế nên chuyện chồng tôi hi sinh mà tôi không khóc không có gì lạ. Có điều cái đau của tôi nó lặn vào trong. Anh em hiểu, muốn làm cho tôi nguôi cơn đau ngầm nên đã bày cuộc rượu. Đầu tiên tôi uống chút đỉnh vì thương tấm lòng anh em. Dần dà tôi uống với anh em nhiều hơn. Uống, nhưng anh em chúng tôi vẫn tỉnh táo để làm nhiệm vụ.

Thì cứ như vậy. Lúc nào đánh cứ đánh, lúc nào yên lại nhậu với anh em. Đồng đội coi tôi là anh em chớ không phải chị em nữa rồi. Bởi họ thấy tôi phụ nữ gì mà lại không thích nấu ăn, đi chợ hay mua sắm quần áo này nọ; chèn ơi, làm những việc ấy tôi đâu có thấy vui. Tôi chỉ nghĩ chuyện đánh giặc, sống chết vì mảnh đất này. Mục tiêu lớn nhất của tôi là vậy.

Ấy vậy nhưng tôi cũng có nỗi sợ. Và tôi cũng đã có lúc khóc. Tôi sợ ăn đậu xanh và mì sợi. Ăn độn đó cô. Tôi không sợ bo bo. Cơm thiu hay cơm sống cũng không sợ, chỉ sợ đậu xanh và mì sợi thôi. Cuộc đời làm cách mạng của tôi trải qua đủ cảnh tù đày, bị địch vây, bị lụt lội... nên phải nhiều lần ăn độn, kiểu gì cũng có. Củ nừng cũng ăn nhiều rồi. Củ nừng, cô phải xắt lát, tẻ đúng nước, nếu tẻ không đủ nước, ăn vô đau bụng chết chớ không chơi. Ờ, tẻ đúng nước là khoảng bảy tám nước trở lên. Ngâm rồi chắt nước ra rồi ngâm rồi lại chắt nước... Nhưng củ nừng ăn được. Đậu xanh và mì sợi bữa đầu ngon lắm, nhưng từ bữa thứ hai trở đi, nhìn nồi đậu là muốn chảy nước mắt rồi. Thiệt là khóc ròng với mấy bữa đói phải ăn độn đậu xanh.

Đánh giặc bây giờ à? Không, không! Dẹp cái vụ sắp tám mươi qua một bên. Nếu tụi ác ôn nào tràn vô nước mình, giết hại dân mình thì tôi lại đánh. Phải đánh chớ. Cái đầu tôi còn mạnh lắm.

Chuyện của cô Hai A: Nhiều lắm những yêu thương

Giải phóng miền Nam hơn tuần lễ, khi đó tôi đang là Trưởng công an xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thì được phía Pol Pot mời qua biên giới họp. Tôi dẫn theo một tiểu đội bảo vệ. Nếu nổ súng thì coi như mình hi sinh hết. Dẫu bị giết vẫn đi. Vì mình mà có hi sinh tụi nó cũng tan tành. Cưa đôi mà. Nó nói giờ bên mình phải chia cắt ấp ba, ấp tư dài ra nửa sông về bên kia cho nó. Tôi nói đâu có được. Muốn chia cắt gì đó phải là do tỉnh, do Trung ương, chớ tôi là xã thì làm sao dám. Nó nói nếu không chia nó vẫn qua. Tôi nói nếu qua anh em nổ súng. Nó kiên quyết qua. Vậy thì thôi, không bàn cãi gì nữa, bãi trào, mạnh ai nấy về.

Tôi nói với anh Hiệp tụi nó sẽ đánh mình đó nghe. Tôi điện thoại báo về Huyện đội. Huyện đội nói cứng lắm, hễ chúng đánh là sẽ đưa quân qua tiếp ứng.

Tôi phân công anh Út Ẩn lo từ vàm Dung Thăng xuống ấp 4. Tôi từ ấp 2 tới mương Năm Quỷnh ấp 3.

Ngày mồng 7/5/1975, ba giờ tụi nó bắt đầu đánh. Mình thì chỉ có lựu đạn. Nó thì mạnh B40 và M79. Đánh đầu mặt mình không chịu nổi. Nó bắn trên tám trăm quả. Cầm cự từ một giờ đêm đến bảy giờ sáng. Biên phòng mình bật chốt hết rồi. Mấy anh bên Huyện đội tưởng xã cũng bật chốt nên pháo qua. Hai người lính của tôi bị thương. Tôi chạy ra bờ sông báo hiệu là mình vẫn bám chốt và xin chi viện. Mấy anh cho quân tới, đánh hai ngày sau nó mới tróc gốc rồi rút về.

Lúc đó lực lượng mình mới thành lập nên còn rất yếu. Thì cô coi đó, nó lợi dụng cơ hội mình mới giải phóng chưa có lực lượng mà cũng không đề phòng. Thật ra tôi không thấy bất ngờ gì cả. Hồi trong chiến tranh, nó đón cán bộ mình giết hoài. Lực lượng của nó cũng người tốt người xấu lẫn lộn. Chỗ giồng Ông Tiên, đường lên Tà Keo, hễ sơ hở là nó bắt cóc cán bộ mình mang đi thủ tiêu. Nhưng phải nhịn cho biên giới yên ổn.

Sau những ngày đánh đầu mặt không thủng, bên nó cứ bóc bùm qua mình hoài. Nó thấy người mình là tỉa. Nó thèm qua lắm. Ở Vĩnh Hội Đông nó muốn tràn sang mình phải qua một con kênh, rất thất thế, nhưng nó liều, ỷ đông, coi sinh mạng lính tráng như cỏ rác nên tràn xuống đánh hoài. Nó đánh mình trên năm trăm vụ. Có lần, lúc đó công an đóng trên đồn 61 của nghĩa quân hồi trước để lại, trinh sát của nó đột nhập vào sát đồn. Mấy anh nghe tiếng nhắc nhen (một loài nhái nhỏ) ngừng kêu là biết có trinh sát của nó đang mò vào nên cảnh giác. Cuối cùng bắt được hai thằng. Nếu không phát hiện nó nướng cả đồn bằng lửa lựu đạn.

Năm 1977 đang yên đang lành, bỗng dân kiếm tôi nói, tụi nó ở bển làm gì mà đào công sự nhiều lắm chị Hai.

Tôi leo lên nóc đình Dung Thăng, bỏ ống nhòm, thấy nó cứ ba thằng vô một công sự, gánh đạn dập dập. Biết là nó sắp đánh rồi.

Tôi chia người ra. Tôi phụ trách từ ngọn Cả Hàn lên ấp hai. Hiệp thì từ ấp 2 lên xã.
Từ 7 giờ tối ngày 30/4/1977 nó bắt đầu đánh.

Nó bắn dữ quá, mình ít quân lại ít hỏa lực. B40 nó rất mạnh. Bên nó có những xạ thủ nữ bắn B40 giỏi lắm. Tôi thấy tình hình không ổn, nói với quân mình thôi đừng bắn nữa. Bắn hoài, nó đẩy B40 nướng mình à. Cứ để nó vô sát sườn mình xài lựu đạn.

Nó đánh bật tháp Cao Đài. Nó đánh bọc qua bờ tre định hốt tôi từ sau lưng Đồn biên phòng 61. Tôi gọi cho mấy anh bên Huyện đội chi viện. Mấy anh nói hết quân rồi, tại nó đánh đồng loạt hết mấy xã ven biên giới. Tôi nói nếu hết quân thì cho hai mươi trái pháo. Mấy anh đưa pháo qua, nhờ vậy nó bớt hung.

Cứ như vậy cầm cự từ bảy giờ tới mười hai giờ đêm. Toàn dầm trong nước. Mình cũng có công sự nổi đó cô. Thì kê thùng phuy để tránh đạn nhưng người dầm trong nước.

Tụi nó đánh không thủng nên tức lắm. Nó biết Vĩnh Hội Đông do tôi đứng chốt nên cứ kêu tên tôi mà chửi. “Con đĩ Hai A này nó hăng lắm. Bắt được nó tao bằm cho vịt ăn”. Vô tay nó chắc chắn tôi bị bằm, tụi nó ác lừng danh mà. Nhưng sợ gì. Nó dữ thì mình phải dữ hơn nó. Mình mà buông chốt nó tràn vô giết dân, đốt nhà. Bên Đa Phước đợt đó nó đốt tám trăm căn nhà. Cô nói đúng, bên Ba Chúc biên phòng với du kích bị bật chốt nên dân mới chết nhiều như vậy. Nếu mình bật chốt dân mình ở đây cũng bị giết dã man vậy thôi. Bằng mọi giá phải giữ chốt. Mình có vũ khí, biết đánh đấm, mình mà chạy thì dân biết làm sao?

Thì nó cứ đánh như vậy hoài.
Giai đoạn đó chỗ ngọn Cả Hàn, lúc nào Sư đoàn 330 cũng đưa một tiểu đoàn trấn giữ. Năm 1978, năm mà nó giết dân ở Ba Chúc mấy ngàn người đó cô, cứ vài ngày nó cho đặc công xuống đánh úp, mấy anh bên Sư đoàn nhảy xuống sông hoài.

Tôi tức mình, bữa đó cho lính bơi xuồng đi điều nghiên địa hình ngọn Cả Hàn, tính kế đón đầu nó.

Tối đó tôi cho hai phó công an với một Tiểu đội của Sư đoàn 330 ém hai bên ngọn Cả Hàn. Lính tôi nằm vách dưới, lính Sư đoàn nằm vách trên.

Đêm đầu nó không ra. Tôi hoài nghi không biết nó có cho trinh sát đi trước không. Hôm sau tôi cho lính tráng ăn uống no say, ngủ thiệt đủ giấc, quyết định phải phục cho bằng được.

Đêm đó đặc công tụi nó vô ba xuồng theo hướng vàm Đứng Thẳng. Mình treo lựu đạn bấm con cóc hai bên vàm đồng loạt. Ba chiếc xuồng bể nát. Tụi nó chết không còn sót thằng nào.

Từ đó trở về sau Sư đoàn không còn bị đánh úp nữa.

Vâng, không biết sao mà tôi với chị Năm Chăm lại đánh đấm như đàn ông vậy. Đánh giặc hết cả tuổi xuân. Vâng, tôi có chồng muộn nên cũng không sanh con được. Mấy đứa nhỏ này là con của chồng tôi. Căn nhà này cũng do mấy đứa con chồng tôi cất. Mấy lúc cô kiếm không có tôi là do bệnh tôi phải lên Bắc Đai cho nhỏ cháu chăm sóc. Tôi tệ hơn chị Năm Chăm, không biết xài điện thoại. Hễ cô gọi, tôi chỉ biết bấm nghe thôi chớ không biết bấm gọi. Nên khi bệnh ở một mình, mấy cháu nó không yên, nó rước về ở chung đặng dễ chăm sóc. Không phải cháu ruột, cũng là cháu của chồng. Tôi chỉ giỏi đánh đấm chớ hư trong chuyện sanh con.

Hồi đó lo giặc giã có ăn mặc gì đâu mà đẹp đẽ cô. Lem luốc như nông dân, đầu tóc có khi hai ngày chưa chải, ai mà thương. Chỉ có mấy anh em cùng chiến đấu thì thương. Thương nên mới sống chết có nhau trên chiến trường. Thương nên chỉ đạo sao cũng nghe vậy, trên dưới đồng lòng mới thành công được. Cũng bởi tôi thương họ nhiều lắm. Mình lúc đó có ai thân thương ngoài đồng đội nữa đâu cô. Lúc nào cũng nghĩ cho đồng đội. Tác chiến làm sao càng ít hao quân càng tốt, mỗi người lính là một người thân của mình mà. Một người ngã xuống tôi đau như mất một người ruột thịt. Nếu trong cuộc chiến, ai mà vì hèn nhát, tham sống sợ chết, làm cho đồng đội tôi hi sinh, tôi liều mạng với người đó.

Mà chiến sự có khi nào tránh thương vong. Những người đồng đội ruột thịt của tôi nằm xuống vì quê hương cũng nhiều. Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hồi tưởng từng người, tôi ngồi khóc. Bom đạn không sợ chỉ sợ một người nào đó vì nghe theo lệnh của mình phải hi sinh. Làm một người chỉ huy, sinh mạng của đơn vị gần như sinh mạng của mình. Nỗi vui nỗi mừng hay đau đớn của đơn vị cũng là của mình, mình đâu có hờ hỏng được.

Lính thương tôi lắm, mấy anh ở trên cũng thương. Thì cũng thương nên tôi mới bị ghép đôi với người này người nọ, mang tiếng cũng nhiều. Không có gì buồn đâu cô. Những người gần gũi mình thương mình, hiểu mình là được rồi. Mấy đứa con chồng, cháu chồng hiểu mình là được rồi. Kể ra cuộc đời phụ nữ như tôi gắn liền với súng ống bom đạn, tới già cũng có được mấy đứa nhỏ nó thương, cũng không đến nỗi tệ.

Còn chuyện đánh Pol Pot tôi thấy cũng bình thường mà.

V.D.T

Nguồn: vannghequandoi.vn
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 66104