Tổng
thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ ngừng các cuộc tập trận chung
mang tính chất khiêu khích và tốn kém với Hàn Quốc, đồng thời tỏ ý mong
muốn đưa binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc về nước.
Đây
là những thông tin chính được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo
diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
tại Singapore, ngày 12/6. Cũng trong cuộc họp báo, ông D.Trump cho biết,
nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang chỉ thị phá hủy một khu vực thử động cơ
tên lửa chủ chốt của Triều Tiên, song không tiết lộ vị trí cụ thể.
Liên
quan tới vấn đề 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, ông D.Trump
đã tỏ ý mong muốn rút lực lượng này về nước, tuy nhiên, công việc này sẽ
có thể không diễn ra ngay lập tức.
Tổng
thống Trump cho biết, sẽ mời ông Kim Jong-un tới thăm Nhà Trắng vào một
thời điểm thích hợp và ông cũng sẽ đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng của
Triều Tiên. Ông hoàn toàn "tin tưởng" nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim
Jong-un, khẳng định sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên "một cách
nhanh nhất có thể" nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian.
Trước
đó, vào sáng cùng ngày, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh được trông đợi giữa
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã
chính thức diễn ra tại khách sạn Capella của Singapore, mở ra một cơ hội
lịch sử để giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo
dài hơn 5 thập kỷ qua trên bán đảo Triều Tiên.
Không
khí mở đầu của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đã được đánh giá là diễn ra tốt
đẹp khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cùng đi về phía nhau tại sảnh
của khách sạn Capella, cùng bắt tay và chụp ảnh trước các phóng viên.
Trong
lời phát biểu mở đầu, Tổng thống D.Trump tin tưởng, vòng thảo luận giữa
ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tốt đẹp và mang
lại thành công lớn. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, ông
đã vượt qua những rào cản không mấy dễ dàng để tham dự cuộc gặp thượng
đỉnh với Tổng thống Mỹ.
Sau
cuộc đối thoại riêng kéo dài 45 phút cùng sự hỗ trợ của các phiên dịch
viên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tham gia vào các vòng
hội đàm mở rộng cùng với các cố vấn hàng đầu đến từ hai nước gồm: Ngoại
trưởng Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Phó Chủ
tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol và một số quan chức khác.
Tổng
thống D.Trump cho biết, cuộc đối thoại đầu tiên giữa ông và Chủ tịch
Kim Jong-un đã diễn ra “rất, rất tốt đẹp”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng
hai nhà lãnh đạo đã xây dựng được một mối quan hệ “tuyệt vời”. Tổng
thống D.Trump tin tưởng rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “giải
quyết được một vấn đề lớn và tháo gỡ được một tình huống khó xử”.
Trong
khuôn khổ các cuộc đối thoại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam
kết sẽ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đổi lại,
Tổng thống D.Trump cũng cam kết sẽ đưa ra những biện pháp bảo đảm an
ninh cho Triều Tiên.
Kết
thúc Hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo ra ký tuyên bố chung với
những nội dung chính gồm: (1) Triều Tiên và Mỹ nhất trí thiết lập quan
hệ song phương kiểu mới, thể theo những mong muốn của người dân hai nước
vì một nền hòa bình và thịnh vượng; (2) Mỹ và Triều Tiên sẽ theo đuổi
những nỗ lực chung để thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định
trên bán đảo Triều Tiên; (3)Tái khẳng định Tuyên bố chung Panmunjon ngày
27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên
bán đảo Triều Tiên; (4) Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả
hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh
(MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập
tức.
Trong một
tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống D.Trump khẳng định, ông và nhà
lãnh đạo Triều Tiên rất tự hào về những điều vừa thực hiện. Bên cạnh đó,
ông D.Trump cũng tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng
như tình hình bán đảo Triều Tiên đang ở trong một tình huống “khác hơn
nhiều” so với những gì đã trải qua trong quá khứ.
Về
phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng tin tưởng rằng, tại Hội nghị thượng
đỉnh lịch sử ngày 12/6, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã ký kết
một văn kiện đánh dấu một sự khởi đầu mới và cùng gác lại quá khứ. Nhà
lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh rằng, sau Hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6,
thế giới sẽ được chứng kiến một sự thay đổi lớn lao. Ngoài ra, ông Kim
Jong-un cũng tỏ rõ sự cảm kích trước những nỗ lực của Tổng thống D.Trump
để biến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều trở thành hiện thực.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Phát
biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã hoan nghênh và ủng hộ hội nghị thượng đỉnh
Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore, đồng thời cam kết đóng vai trò tích
cực góp phần triển khai các thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp lịch sử
này.Ông Cảnh Sảng dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng,
sự kiện này có ý nghĩa quan trọng và tích cực khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và
Triều Tiên đã “tổ chức đối thoại trên cơ sở quan hệ bình đẳng”. Trung
Quốc ủng hộ và hoan nghênh cuộc gặp trên mở ra một trang sử mới.
Sau
cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và lãnh đạo Triều Tiên
Kim Jong-un kết thúc, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế Đuma quốc
gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho rằng, những kết quả của cuộc gặp
trên mở ra cơ hội cho giải pháp hòa bình đối với tình hình trên Bán đảo
Triều Tiên.Tuy nhận định thận trọng về khả năng tình hình bán đảo Triều
Tiên sẽ hạ nhiệt ngay lập tức sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6, song
ông Slutsky tin tưởng rằng, sự kiện này chắc chắn đã nhen lên niềm hy
vọng, trước hết là về tiến bộ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho
vấn đề Triều Tiên.
Cũng trong ngày
12/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -
Triều sẽ mang lại kết quả thành công và mở ra một kỷ nguyên mới của hòa
bình, phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như xây dựng được một
mối quan hệ mới giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ.
Ông
Moon Jae-in cho biết, cùng với người dân Hàn Quốc, ông đã có một đêm
thao thức để chờ đón cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và
Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh thêm rằng, kết
quả thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ là sự khởi đầu
cho một “tiến trình dài hơi” để phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập
nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Cùng
ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ hy
vọng rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ mang lại những tiến triển
trong giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản sẽ
theo đuổi nỗ lực để đưa cuộc gặp lịch sử này thành một bước đi lớn hướng
tới mục tiêu thiết lập hòa bình, ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.
Trả
lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72
Miroslav Lajcak cũng tin tưởng rằng, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên
giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mang lại một hiệu
ứng tích cực và tạo động lực cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân
trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Lajak đã tỏ ý hoan nghênh những
bước đi hướng tới mục tiêu thiết lập nền hòa bình và ổn định lâu dài
trên bán đảo Triều Tiên, cũng như việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên
đã tận dụng cơ hội gặp gỡ để thúc đẩy mục tiêu này.
Ngày
11/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh hai nhà
lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho
vấn đề Triều Tiên, đồng thời tỏ rõ sự cảm kích trước những nỗ lực thiết
lập các điều kiện phù hợp để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Ông Guterres cam kết các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ
trợ tiến trình này thông qua mọi cách thức, gồm cả thực hiện nhiệm vụ
xác minh nếu như nhận được yêu cầu từ các bên liên quan./.