Nét đẹp phong tục chúc tết, mừng tuổi
Theo
quan niệm, sáng mồng Một tết, con cháu chúc tết cha mẹ và ông bà. Con
cháu được ông bà, cha mẹ chúc điều tốt lành, may mắn và mừng tuổi, món
tiền đựng trong một phong bì đỏ. Tiền mừng tuổi như là “phát vốn, mở
hàng” thường là những tờ giấy bạc còn mới, cho tiền lẻ vào phong bao với
ngụ ý số lẻ còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm, giá trị không lớn, mang
tính biểu trưng. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có
sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Tiền mừng
tuổi thường được cất kỹ như là bảo lưu sự may mắn của cả năm, phong bao
mừng tuổi thường có màu đỏ hoặc vàng tượng trưng, mang ý nghĩa là tiền
may mắn, điều lành, điều tốt… Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan
trọng là lòng mong ước cầu chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi,
học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít tiền không phải là
điều đáng để tâm lắm.
Người chúc
nói những điều chân thành mộc mạc tự trong lòng mình, người được chúc
đón nhận với cả tấm lòng biết ơn, cả người chúc và được chúc đều cảm
thấy như có trời đất chứng giám và phù hộ, độ trì.
Để
gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm những lời chúc tết thường
là hạnh phúc, sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước
muốn đều thành công…; những người năm cũ không may gặp rủi ro thì động
viên nhau “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người” nghĩa là trong cái
họa tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.
Có Cha, có Mẹ thì mới có Ta, nhưng cha mẹ chỉ sinh thành nuôi dưỡng,
dạy những điều hay, lẽ phải theo lối giáo dục gia phong. Muốn có sự
phương trưởng về mặt công danh thì phải nhờ vào người Thầy. Vì thế, ngày
mồng ba tết là phải đến chúc tết Thầy “Mồng ba, lễ Tết Thầy, Cô”, phong
tục này thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt. Sau
khi biểu lộ lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, dưỡng dục, ngày mùng ba
là ngày đến thăm viếng, mừng tuổi, chúc thọ Thầy Cô để tỏ lòng ghi nhớ
công ơn dạy dỗ của họ. Phong tục chúc Tết, mừng tuổi là nét văn hoá thật
đẹp của xã hội ta, thể hiện tình cảm sâu sắc, sự quan tâm; đồng thời
biểu lộ lòng hiếu thảo, sự biết ơn trong một tôn tri trật tự đầy nghĩa
tình nên đã từ lâu được Ông Bà truyền dạy và sẽ được chúng ta gìn giữ
truyền lại cho nhiều thế hệ sau. Đây vốn là phong tục đẹp và hiện nay
người Việt Nam vẫn giữ tục lệ tốt đẹp này.
Tránh những biểu hiện biến tướng
Bên
cạnh những món quà tết, mừng tuổi để bày tỏ tình cảm, đã có những món
quà tết bị lợi dụng, tranh thủ nọ kia, biến tướng, để người ta thực hiện
những tính toán cá nhân. Lợi dụng quà biếu, mừng tuổi để đạt mục đích
nào đó có lợi cho bản thân, đi ngược lại phong tục tập quán tốt đẹp của
dân tộc ta. Người ta đã coi chuyện quà tết, tiền mừng tuổi chính là thể
hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm. Tức là họ luôn nghĩ, nhiều tiền
mừng tuổi thì càng có được tình cảm mến mộ của người khác hơn. Nhiều
người còn nghĩ, mừng tuổi “sang” thì chắc chắn sẽ không sợ thiệt thòi.
Chuyện
mừng tuổi tiền nong không quan trọng, mừng bao nhiêu thì mừng, cốt là
năm mới có chút mừng tuổi gọi là tấm lòng cho nhau vui vẻ, có lộc, có
may mắn là được. Cho nên nếu không giữ được ý nghĩa vốn có của nó sẽ dẫn
đến hậu quả không tốt, bạn bè, gia đình…nghi kỵ, không hiểu nhau. Tiền
mừng tuổi là ở cái tâm của con người chứ không phải cứ chơi “trội” thì
là sang, là tốt. Người biết trân trọng tình cảm chẳng mấy khi nhìn vào
giá trị đồng tiền mừng tuổi để đánh giá người tốt. Khi những món quà
không xuất phát từ tấm lòng mà mang màu sắc tiêu cực thì chuyện xóa bỏ,
nghiêm cấm là điều cần làm. Để ngăn chặn hiện tượng này Ban Bí thư Trung
ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2018,
trong đó nhấn mạnh: “ Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo
cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử
dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính
cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…”. Thực hiện Chỉ thị này nhiều cơ quan và
lãnh đạo đã thông báo công khai không tiếp khách đến chúc Tết./.
Nguồn: dangconsan.vn