Bộ
Ngoại giao Nga nêu rõ: “Các tuyên bố từ phía các đại diện Mỹ
về việc Mỹ đã hồi đáp một cách chi tiết những câu hỏi của
Nga là không chính xác”.
Ngoài
ra, cơ quan ngoại giao Nga cũng lưu ý thêm rằng, Mỹ đã sử dụng
những diễn giải “không trung thực” và những suy đoán để biện
minh cho quyết định rút khỏi thỏa thuận INF. Phía Moscow cho
rằng, Mỹ không những đã theo đuổi những nỗ lực “thiếu cẩn
trọng” để đùn đẩy trách nhiệm cho Nga mà còn cố tình coi nhẹ
mức độ tuân thủ của Nga đối với INF trong nhiều năm qua.
Bộ
Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow đã nêu vấn đề Mỹ vi phạm INF
thông qua việc phát triển tên lửa mục tiêu từ năm 1999 và máy
bay không người lái từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, mãi đến năm
2013, Washington với bắt đầu đưa ra những lập luận nhằm chứng
minh mức độ tuân thủ Hiệp ước này với Moscow. “Trong nhiều năm
qua, Nga đã tỏ rõ sự kiên nhẫn tối đa trong việc nỗ lực thuyết
phục Mỹ cải thiện mức độ vi phạm INF bằng những lý do xác
đáng và những lập luận thuyết phục về mặt kỹ thuật, song đã
bị phía Washington bỏ qua” – Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
INF
được ký bởi Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail
Gorbachev vào năm 1987. Đây được xem là một hiệp ước mang tính bước
ngoặt, đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang trong thời chiến
tranh Lạnh giữa hai cường quốc. Hiệp ước đề cập tới việc cấm các tên lửa
hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và hướng tới
việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.
Ngày
20/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập tới khả năng rút khỏi
INF vì cho rằng Nga đang vi phạm thỏa thuận này khi chế tạo tên lửa
“Novator 9M729”. Đầu tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, nếu
Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời
hạn chót là ngày 2/2 vừa qua.
Tuy
nhiên, Nga đã bác bỏ yêu cầu trên của Mỹ và khẳng định tên
lửa “Novator 9M729” do nước này chế tạo không vi phạm tinh thần
của INF. Trái lại, Moscow cho rằng Mỹ đang tạo cớ rút khỏi INF
để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày
6/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ rút khỏi INF trong
vòng 6 tháng nhằm trả đũa hành động tương tự từ phía Mỹ. Trước
đó, ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố về việc
Moscow ngừng tuân thủ INF. Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay
vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời
chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ
về vấn đề giải trừ vũ khí.
Trong
bản Thông điệp Liên bang trình bày vào tuần trước, Tổng thống
Mỹ D.Trump tiếp tục cáo buộc Nga đã liên tiếp có những động
thái vi phạm INF, đồng thời để ngỏ khả năng ký kết một thỏa
thuận mới thay thế INF với sự tham gia của nhiều bên hơn, gồm
cả Trung Quốc. Đáp lại tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà
Trắng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Nga
duy trì lập trường cởi mở trước việc tiến hành các vòng đối
thoại có ý nghĩa với Mỹ, nếu như Washington thay đổi lập
trường về INF.
Trong bối cảnh
những căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan tới INF vẫn chưa có
dấu hiệu hạ nhiệt, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/2,
Ngoại trưởng Slovakia (nước hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu – OSCE) – ông Miroslav Lajcak
đã kêu gọi hai cường quốc quay trở lại tuân thủ đầy đủ INF.
“Tôi
hy vọng rằng cả Nga và Mỹ sẽ tận dụng cơ hội để quay trở
lại tuân thủ các cam kết đã đưa ra trong INF… Đây là một Hiệp
ước rất quan trọng và là kết quả của việc cải thiện các mối
quan hệ quốc tế vào cuối thế kỷ 20. Chúng tôi muốn cứu vãn
bản Hiệp ước này. Đây là Hiệp ước đóng vai trò vô cùng quan
trọng đối với an ninh châu Âu” – ông Lajcak nhấn mạnh./.