CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 43   

Rơm rạ dại khờ

Hồi ấy chị Vân thường rủ tôi ra đồng giữ trâu. Chị nói đi một mình sợ ma, rủ tôi đi cho vui.

bui quang duc
Minh họa: Bùi Quang Đức



Đó là những ngày sau tết, lúa đã vô bồ, còn lại cánh đồng mênh mông gốc rạ. Vào những buổi trưa nắng, chị Vân bảo tôi cột trâu lại, còn chị tìm đến một cái gò cao, lựa một đám gốc rạ còn xanh, lấy dao cắt một lõm đủ hai người nằm rồi trải dưới đất một lớp rạ khô, phần rạ tươi, chị phủ lên che nắng. Khi tôi cột xong mấy con trâu thì chị Vân cũng vừa làm xong cái chòi rạ. Chị nhìn tôi cười mỉm: “Giống cái túp lều lí tưởng hôn?”. Rồi không ai bảo ai, chị nằm xuống trước, tôi nằm theo sau, cạnh chị. Thỉnh thoảng chị lại nhìn sang tôi cười mỉm, tôi cũng cười, rồi cả hai chìm trong giấc ngủ trưa. Có hôm tôi thức trước, chị Vân vẫn còn ngủ say, nằm thẳng người, hai tay úp lên ngực, hơi thở cứ đều đều. Lúc ấy trời đã xế dài, những tia nắng dìu dịu trùm lên cánh đồng rạ khô vàng rực. Chị Vân ngồi bật dậy, nhìn tôi cười rồi vỗ lên đầu tôi: “Ngủ ngon hôn, thằng nhóc!”.

Chúng tôi lùa trâu đến một cái đìa lớn, từng người bạn mục đồng cũng lần lượt lùa trâu đến. Tôi đứng dưới cầu thang múc từng thùng nước chuyền lên cho chị Vân đổ vào thau cho trâu uống. Như một thói quen, khi đàn trâu uống nước no nê thì đến lượt con người tắm rửa. Cả gái, cả trai cứ để nguyên quần áo, tắm xối xả trên bờ đìa. Trong bộ bà ba đen đẫm nước bó sát người, chị Vân gánh hai thùng nước đi tắt đường đồng về nhà, tôi ngồi trên lưng trâu lững thững theo sau. Đôi gánh oằn vai, chị đi trong bóng chiều thấp thoáng.

Tôi về nhà, cơm nước xong thì trời chạng vạng, hàng xóm lên đèn, trăng rằm tháng giêng cũng lấp lánh ở đầu sông. Tôi sang nhà chị Vân, hai chị em ra ngồi dưới cây rơm, bắt đầu công việc quấn hai con cúi dài để làm bếp un xua muỗi cho bầy trâu. Quấn xong, chị Vân đốt lửa, tôi lấy nước rưới lên con cúi cho lửa rơm đừng cháy, cho khói bốc lên ngun ngút, từng làn khói trắng cuồn cuộn, mịt mờ phủ lên cả bầy trâu, mùi khói rơm đầu mùa thơm nồng như mùi lúa mới. Chúng tôi lại ngồi tựa dưới chân rơm. Bất giác chị Vân xoa đầu tôi, hỏi tôi mấy tuổi. Tôi nói mười lăm. Chị bảo: “Nhỏ hơn chị hai tuổi, mà sao mầy khờ quá!”. Tôi chưa hiểu chị nói gì thì chị kể: “Cùng tuổi với mầy, nhưng thằng Tư nó cặp bồ với con Xuân, thằng Hòa cặp với con Gấm, mùa nước mặn đuổi năm rồi, chúng nó đi giăng lưới, ban đêm tụi nó ngủ chung xuồng. Con Xuân, con Gấm cũng lớn hơn tụi nó hai ba tuổi…”.

Tôi cúi đầu hổ thẹn. Thẹn cho cái phận nghèo hơn là thẹn cho cái sự khờ khạo của mình. Tôi nghĩ chị Vân thương tôi như một đứa em, một đứa em nghèo khổ mà chị cần giúp đỡ. Hồi ấy, tôi luôn mặc cảm với bạn bè trong xóm vì nhà mình ít ruộng lại không có trâu, nhà nông mà không có trâu thì đương nhiên là nhà nghèo. Mấy công ruộng nhà tôi, những công việc ngoài sức người đều dựa vào đàn trâu của chị Vân. Mùa cày mùa trục thì bác Năm - ba chị - tính tiền công, đến mùa gặt, cộ lúa vào sân cũng tính tiền công, nhưng trâu đạp lúa thì bác không tính tiền, nhưng bù lại tôi phải giữ trâu trả công cho bác trong một hai tháng trước và sau tết. Bác Năm quy ước với ba mẹ tôi là vậy, nhưng chị Vân ít khi để tôi giữ trâu một mình, ngay cả những ngày trâu đạp lúa, bác nói chỉ cho mượn trâu, tôi tự đánh trâu trên nhã lúa, nhưng chị Vân lúc nào cũng có mặt, thay phiên làm công việc ấy với tôi.

Ban đêm, khi cho trâu ngừng đạp để bắt bó, ra rơm, thay vì đốt đèn măng-xông thì chị Vân rủ tôi xuống bờ sông đốt lửa, chị nói mình chịu tốn công mà khỏi hao dầu. Tôi ôm từng ôm rơm quăng xuống nước, chị mồi lửa và lấy sào tre đẩy từng đống lửa trôi bồng bềnh, sáng rực một khúc sông. Cứ thế, không biết từ mùa lúa nào, việc gì tôi cũng làm cùng chị, việc gì chị cũng gọi tôi. Ngay cả những khi ra đồng cộ lúa, chị cũng rủ tôi lên chiếc cộ trâu ngồi cùng. Những buổi tối nướng bánh phồng đãi khách, chị cũng gọi tôi sang đốt rơm, chị kẹp bánh phồng chao tới chao lui trên ngọn lửa. Khi rê lúa, chị là người đứng trên giàn rê, bảo tôi đứng cạnh để chuyền từng thúng lúa lên cho chị. Cũng chính lần ấy, lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra chị Vân là người con gái đẹp. Hôm ấy chị mặc bộ bà ba màu đen, cái dáng cao cao, chị đứng trên giàn rê lúa cũng cao cao, từng cơn gió lùa qua, chị nghiêng vành thúng, lúa hột tuôn xuống, lúa lép bay bay, bụi rơm bay bay, tà áo chị cũng bay bay, ngược theo chiều gió là một cơ thể với những đường nét cong cong của vòng eo, vòng ngực căng tròn. Tôi cứ nhìn ngẩn ngơ mà quên chuyền lúa lên cho chị. Bất giác chị quay xuống, dường như bắt gặp ánh mắt của tôi, chị vội đưa tay níu nhanh vạt áo, mặt đỏ bừng. Tôi lại cúi đầu hổ thẹn, tiếp tục chuyền lúa lên mà không dám nhìn chị nữa.

Và khi tôi không còn “dại khờ” thì cũng là mùa lúa cuối cùng tôi được gần gũi chị. Mùa sa mưa năm ấy, mẹ tôi đưa tôi ra chợ, từ giã rạ rơm để làm gã thư sinh giữa chốn thị thành. Khi tôi biết được tình yêu thì hình ảnh người con gái trong tôi là chị. Là chị với những giấc ngủ trưa trong chòi rạ giữa đồng, là chị với đôi thùng nước, chiếc đòn gánh oằn vai đi giữa đồng rạ khô trong bóng chiều thấp thoáng, quần áo ướt mem bó sát thân gầy, là chị ngồi dưới cây rơm quấn từng con cúi làm bếp un trâu, là chị ngồi đốt rơm sáng bừng cả một khúc sông, là chị với những đường nét cong cong, ngực căng tròn đứng trên giàn rê lúa… Nhưng năm sau, nghỉ hè, tôi về quê thì chị đã đi lấy chồng xa. Mùa sa mưa, cây rơm - chỗ tôi với chị hay ngồi quấn con cúi - đã rũ mục, những chiếc nấm rơm bung trắng một vùng tròn.

Hơn ba mươi năm, cuộc đời đưa đẩy tôi thành kẻ li hương mà chưa được một lần gặp chị, chắc tóc chị bây giờ cũng lớm đớm như tôi. Nếu tình cờ đọc được những dòng nầy, chắc chị sẽ cười thầm và mắng thầm trong bụng: “Cái thằng quỷ, sao hồi xưa mầy khờ quá vậy!”

Nguồn: dangcongsan.vn
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 66057