Đây
là một trong những đợt hội nghị các quan chức cao cấp quan trọng nhất
để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2018 sẽ diễn ra tại thủ đô Port
Moresby vào tháng 11 sắp tới. Các Hội nghị đã thu hút sự tham dự của gần
2.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn Việt Nam gồm
đại diện của 7 cơ quan liên quan là Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ
Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ, đã tham gia và tích cực đóng góp
tại các Hội nghị.
Trong bối cảnh
APEC đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, hội nghị có ý nghĩa
quan trọng nhằm thảo luận triển khai các ưu tiên của Năm APEC 2018 và
tiếp tục thúc đẩy thực hiện các kết quả nổi bật của Năm APEC Việt Nam
2017, đặc biệt là xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020, phát triển bao
trùm, kinh tế mạng và kinh tế số, an ninh lương thực, phụ nữ tham gia
kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực tài nguyên.
Tại
Hội nghị, các thành viên nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để giữ
đà liên kết kinh tế khu vực, củng cố vai trò của APEC là cơ chế hợp tác
kinh tế hàng đầu khu vực, động lực cho tăng trưởng và liên kết thông
qua thương mại và đầu tư tự do và mở, tạo việc làm và cải thiện đời sống
của người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Để
chuẩn bị cho APEC bước vào giai đoạn phát triển mới sau ba thập kỷ hình
thành, nhất là trong kỷ nguyên số, tại cuộc họp lần thứ hai Nhóm xây
dựng Tầm nhìn APEC, các thành viên đã khẳng định quyết tâm xây dựng Tầm
nhìn APEC sau năm 2020 nhằm định hướng hợp tác dài hạn của Diễn đàn vì
lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Đây
là lần đầu tiên Papua New Guinea đăng cai các hoạt động của Diễn đàn
sau 25 năm gia nhập APEC. Papua New Guinea có nhiều tài nguyên thiên
nhiên và là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc nhất trên thế
giới, với hơn một nghìn nhóm văn hóa khác nhau. Trong dịp này, Papua New
Guinea đã có nhiều hoạt động phong phú để giới thiệu đến các đại biểu
APEC và bạn bè quốc tế những nét đặc trưng văn hóa của một quốc đảo ở
khu vực Nam Thái Bình Dương đang trong quá trình hội nhập và liên kết
khu vực.
Đối thoại cấp cao Nga - Mỹ kết thúc không có tuyên bố chung
Vòng
đối thoại giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John R.Bolton và Thư ký Hội
đồng an ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã kết thúc vào chiều 23/8
tại Geneva (Thụy Sỹ) mà không ra tuyên bố chung, cho dù hai bên đều nói
về những “tiến triển” tại sự kiện này.
Cuộc
đối thoại giữa các đại diện an ninh Nga và Mỹ tại Geneva kéo dài hơn 5
tiếng đồng hồ và là vòng thảo luận cấp cao đầu tiên mà hai nước thực
hiện kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan) vào tháng
trước. Tuy nhiên, báo chí nước ngoài đưa tin, sự kiện này đã kết thúc
với kết quả là các đại diện Nga và Mỹ đã không thể đặt bút ký kết vào
một bản tuyên bố chung với lý do được hai bên đưa ra là ông Bolton đã
yêu cầu bản tuyên bố cần nhắc đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ
năm 2016, song đã bị phía Moscow bác bỏ.
Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison trở thành Thủ tướng mới của Australia
Ngày
24/8, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai của đảng Tự do cầm quyền theo sự
triệu tập của Thủ tướng Malcolm Turnbull nhằm giải quyết khủng hoảng
chính trị, Bộ trưởng Ngân khố, kiêm Quyền Bộ trưởng Nội vụ Australia
Scott Morrison đã được bầu làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền và sẽ trở
thành Thủ tướng thứ 30 của Australia.
Cuộc
bỏ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài một tuần trước
đó trong nội bộ đảng Tự do cầm quyền, khiến chính phủ và quốc hội nước
này phải tạm ngừng hoạt động. Là người theo chủ trương ôn hòa, Thủ tướng
Turnbull có thời gian dài theo đuổi các chính sách xã hội tiên tiến và
hành động về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chính sách năng lượng mới của
ông lại không nhận được sự ủng hộ của một số ít nghị sỹ trong chính đảng
Tự do mà ông lãnh đạo. Do đó, ngày 21/8, theo yêu cầu của Bộ trưởng nội
vụ Peter Dutton, nội bộ đảng Tự do đã tiến hành bỏ phiếu về khả năng
thay thế ông Turnbull, nhưng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã tạm
vượt qua thách thức trong cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, trong vài ngày
sau đó, liên tục nhiều bộ trưởng cấp cao trong chính phủ từng ủng hộ ông
Turnbull đã từ chức.
Đối mặt với
áp lực phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về khả năng thay thế mình,
ngày 24/8, ông Turnbull đã triệu tập cuộc họp và tiến hành bỏ phiếu.
Tại cuộc bỏ phiếu lần thứ hai này, ông Turnbull đã từ chức và không tham
gia ứng cử, bởi một khi đảng đồng ý bỏ phiếu chọn thủ tướng mới nghĩa
là ông đã mất tín nhiệm.
Việc ông
Morrison được bầu chọn trở thành nhà lãnh đạo mới của Australia đã chấm
dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong đảng Tự do cầm quyền kéo dài gần một
tuần nay. Ông Morrison năm nay 50 tuổi, vào Quốc hội năm 2007, trở
thành Bộ trưởng nhập cư năm 2013 và Bộ trưởng ngân khố năm 2015 - một
trong những vị trí cấp cao và quyền lực nhất chính phủ.
Mỹ tiếp tục tung “đòn trừng phạt” Nga
Ngày
21/8, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đối với 2 công ty
vận tải biển và 6 tàu của Nga với lý do Nga vi phạm lệnh trừng phạt của
Liên hợp quốc khi tham gia vận chuyển các sản phẩm xăng dầu cho các tàu
của Triều Tiên, và liên quan đến vấn đề an ninh mạng. Đồng thời, Mỹ cũng
cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Động
thái của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington áp đặt trừng phạt
đối với một cơ quan dịch vụ hải cảng của Nga và các công ty Trung Quốc
vì cho rằng những thực thể này đã giúp vận chuyển hàng hoá, như rượu và
thuốc lá, cho Bình Nhưỡng.
Trước
đó, ngày 8/8, Mỹ cũng đã tuyên bố áp đặt các biện trừng phạt mới nhằm
vào Nga liên quan tới vụ hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu
độc ở thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh hồi tháng 3 vừa qua.
Phản
ứng trước động thái của Mỹ, Tổng thống Nga Putin khẳng định các biện
pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga sẽ chỉ "phản tác dụng
và vô nghĩa", đồng thời bày tỏ hy vọng các đối tác Mỹ sẽ hiểu rằng chính
sách trừng phạt chống Nga là sai lầm.
Có
thể thấy, trong những ngày gần đây, Mỹ đã liên tiếp tung những “đòn
trừng phạt” vào nhiều thực thể của Nga. Những diễn biến căng thẳng liên
tiếp này khiến triển vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dường như trở nên xa
vời ở thời điểm hiện tại, bất chấp việc hai nước đã đạt được nhiều đột
phá trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7 vừa
qua. Theo các nhà phân tích, hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chịu
nhiều sức ép gia tăng trừng phạt đối với Nga, bắt nguồn từ áp lực của
Quốc hội lưỡng đảng nước này. Các biện pháp trừng phạt liên tục của Mỹ
đối với vào Nga trong vòng một tuần qua mang màu sắc của một cuộc đấu đá
chính trị trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử quốc hội
Mỹ giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào đầu tháng 11 tới.
Anh công bố kịch bản chi tiết nếu Brexit thất bại
Ngày
23/8, chính phủ Anh đã công bố chi tiết các vấn đề nước này sẽ phải đối
mặt trong trường hợp Brexit diễn ra mà không đạt được thoả thuận thay
thế. Theo đó, chính phủ Anh đã đưa ra 25 trong tổng số khoảng 80 lĩnh
vực như tài chính, thương mại, trợ giá nông nghiệp, kiểm nghiệm thực
phẩm, xử lý nhiên liệu phóng xạ dân dụng… mà nước Anh sẽ không thể giải
quyết. Lí do là vì các lĩnh vực này đều đặt dưới sự kiểm soát của các
luật lệ do Liên minh châu Âu thiết lập, nên nếu không có các thoả thuận
thay thế, Anh và Liên minh châu Âu sẽ không thể tiếp tục hợp tác trong
các lĩnh vực này.
Điều đáng chú ý,
25 lĩnh vực vừa được chính phủ Anh đưa ra mới là lần công bố đầu tiên và
dự định đến tháng 9/2018, chính phủ Anh sẽ công bố đợt 2 về các lĩnh
vực bị ảnh hưởng nếu kịch bản Brexit thất bại.
Giải
thích cho quyết định công bố bản liệt kê chi tiết này, Bộ trưởng phụ
trách Brexit của Anh là ông Dominic Raab tuyên bố, hành động này là để
cho các doanh nghiệp cũng như người dân Anh ý thức được rằng “nguy cơ
Brexit không có thoả thuận rất có khả năng sẽ diễn ra”, dù đó không phải
là điều chính phủ Anh mong muốn. Tuy nhiên, bản tài liệu được công bố
khẳng định “ưu tiên lớn nhất của chính phủ Anh là duy trì sự ổn định”.
Như
vậy, chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là tới thời điểm Anh rời khỏi Liên
minh châu Âu vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, tại vòng đàm phán mới nhất
diễn ra cuối tuần trước, hai bên vẫn không thể giải quyết các bất đồng
liên quan đến vấn đề biên giới giữa lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh với
nước CH Ireland thuộc Liên minh châu Âu, cũng như bản chất mối quan hệ
kinh tế tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp mặt đoàn tụ các gia đình bị ly tán lần thứ 21
Sau
gần 70 năm mong mỏi trong xa cách, ngày 20/8, 89 người cao tuổi Hàn
Quốc đã được gặp gỡ người thân của mình sống ở Triều Tiên trong đợt 1
của chương trình thứ 21 đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến
tranh Triều Tiên (1950-1953).
Các
cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán là sự kiện được người dân cả hai miền
trên bán đảo Triều Tiên chờ mong từ lâu. Những cuộc đoàn tụ là cơ hội
hiếm hoi để người dân Hàn Quốc và Triều Tiên có thể gặp lại người thân
của mình sau nhiều chục năm xa cách.
Việc
tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán lần này là một phần trong thỏa
thuận được các nhà lãnh đạo hai miền nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh
lịch sử hồi tháng 4/2018. Đây là lần đầu tiên sự kiện đoàn tụ gia đình
ly tán được tổ chức kể từ tháng 10/2015. Trước đó, hai miền Triều Tiên
đã tổ chức 20 đợt đoàn tụ gia đình trực tiếp kể từ cuộc gặp thượng đỉnh
liên Triều lần đầu tiên năm 2000 với hơn 17.000 người Hàn Quốc được gặp
người thân trực tiếp hoặc qua đường truyền video.
Sau
đợt 1, đợt 2 của chương trình đoàn tụ lần này được tổ chức từ ngày 24
đến 26/8 tới. Trong đợt 2, 83 người Triều Tiên sẽ được gặp thân nhân của
mình đang sống tại Hàn Quốc cũng tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang. Mặc dù
những người cha, người mẹ, anh em, họ hàng chỉ có vài ngày gặp gỡ và
trò chuyện trong cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt để rồi một lần nữa chia ly và
có thể sẽ là mãi mãi, song chắc chắn họ vẫn cảm thấy mãn nguyện vì đã
thực hiện được niềm mong ước tưởng chừng như không thể thành hiện thực.
Tấn công bằng dao ở Pháp làm 2 người chết và 1 người bị thương
Ngày
23/8, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại thị trấn Trappes, phía Tây
thủ đô Paris, Pháp, khiến 2 người chết và 1 người bị thương nặng. Kẻ
tiến công sau đó đã bị cảnh sát bắn hạ khi tìm cách trốn trong một tòa
nhà. Khi thực hiện vụ tấn công trên, kênh truyền hình BFM cho biết, kẻ
tấn công đã hô "Thánh A-la vĩ đại".
Bộ
Nội vụ Pháp cho biết, hai người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao
trên chính là mẹ và chị gái của thủ phạm, khiến người ta nghi ngờ rằng
đây có thể là hậu quả của một vụ cãi vã trong gia đình.
Sau
vụ việc trên, Nhà nước Hồi giáo đã nhận tiến hành vụ tấn công bằng dao ở
thị trấn Trappes nhưng không cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự liên
quan giữa thủ phạm với nhóm này. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp
Gerard Collomb cho biết kẻ tấn công trên là đối tượng "có các vấn đề
nghiêm trọng về tâm thần". Theo ông Collomb, kẻ tấn công có tên trong Hồ
sơ Ngăn chặn Cực đoan hóa Khủng bố (FSPRT) và được biết đến là kẻ có tư
tưởng ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, đối tượng này cũng có "nhiều vấn đề
nghiêm trọng về thần kinh", khiến cho tên này không có khả năng nghe
theo hướng dẫn của các tổ chức khủng bố như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo"
tự xưng.
Mỹ: Thượng nghị sĩ John McCain qua đời
Theo
thông báo từ văn phòng của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, ông qua đời ở
tuổi 81 vào lúc 16h28’ ngày 25/8 (tức 3 giờ ngày 26/8 giờ Hà Nội) bên
cạnh người vợ Cindy và gia đình.
Hôm
24/8, gia đình của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết ông đã quyết
định ngừng điều trị căn bệnh ung thư não. Ông McCain phải điều trị bệnh
ung thư từ tháng 7 năm ngoái và đã vắng mặt ở Washington kể từ tháng 12
năm ngoái.
Ông McCain sinh ngày
29/8/1936, là Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ, người tiểu bang Arizona và
là người được Đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống trong cuộc
bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008.
Thượng nghị sĩ John McCain đã có đóng góp to lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam./.