Từ Khánh Hòa tác giả
Đỗ Công Quý đã gửi đến Người Biên Tập 20 bài thơ xuân mà mỗi sáng tác
giống như một cuộc viễn du về các vùng miền của đất nước với những Tình
xuân hoa sóng; Tình xuân lính biển tiền phương; Tình xuân quê nhớ; Xuân
cưới mai đào; Xuân nụ bình minh… Trong đó có nhiều câu thơ ấn tượng:
- Người về xuân mọng tính sương
- Nắng đòi biếc mai hoàng mây
Còn với chùm thơ của
bạn Hoàng Tuấn Linh ở Quảng Trị lại đưa Người Biên Tập đến với cuộc du
xuân về tình yêu đôi lứa, trong sáng, nhẹ nhàng:
Bờ cỏ hẹn lời yêu em có biết
Ngày xuân về ủ kín môi nghiêng
Vần thơ lạ nghe hồn mình trái chín
Phía xa xôi mây tím rất hiền.
(Mùa xuân trên cành lá)
Cảnh thì đẹp như đang
đồng vọng với trái tim bâng khuâng xao xuyến khi tình yêu về gõ cửa.
Cũng có lẽ vì vậy nên tác giả để hai bài thơ trùng lặp cả về cảm xúc lẫn
thi ảnh, chỉ khác nhau đôi chút ở cách dẫn dắt và triển khai lối thơ.
Nơi mùa xuân đến
Quà của phố lời yêu hoa từ độ
Gió trinh nguyên khúc du ca tình tự
Trên mờ xa mây tím nhạt bao giờ
Ngày xuân như dài hơn.
(Nơi mùa xuân đến)
Và nếu so sánh hai
bài thơ có nét tương đồng nhau này thì Người Biên Tập nghĩ bạn Hoàng
Tuấn Linh nên triển khai cách viết như bài Mùa xuân trên cành lá sẽ có
được bài thơ vững vàng hơn.
Mùa xuân cũng là mùa
của sum họp gia đình nên có những người vì môi trường công tác, vì công
việc đặc thù hay vì một lí do nào đó không được trở về nhà ăn tết thì họ
hướng đến gia đình bằng tình cảm, tình yêu thương chân thành nhất. Bạn
Bùi Khắc Viên (Thanh Hóa) đã thay mặt những người lính đang canh giữ đảo
xa bằng một bài thơ đầy nhớ nhung cùng nhiều nhắn gửi.
Mùa xuân này em nhớ nói cùng con
Nơi đảo nhỏ là tiền tiêu đất mẹ
Nơi Tổ quốc giao cho anh tất cả
Nơi chúng mình thương nhớ hướng về nhau
(Xuân nhớ đảo xa)
Trong một góc quê ấm
áp, bạn Trần Quang Phong (Khánh Hòa) lại có kiểu du xuân rất riêng. Đó
là lần theo những mầm xuân, mầm thơ và mầm tôi rồi từ suy nghĩ ấy tác
giả đã có được đôi ba câu thơ ấn tượng.
- Đắm đuối môi thơm dậy thì con gái
- Rưng rưng cỏ dại bụi mưa non
(Mầm)
Nếu như ở hai câu thơ
này vẫn có chút điệu đàng làm dáng thì ở câu - Đất rạo rực non trong
bài Ấm áp góc quê lại khá đơn giản nhưng có tính phát hiện về sự chuyển
động của vật tưởng là vô tri hoặc ít biến đổi mà khi gặp khí xuân bỗng
trở nên hồi sinh, đổi thay khác lạ. Đọc bài thơ này của bạn Người Biên
Tập chợt nhớ đến câu thơ trong bài Đề chùa Cổ Châu của Trần Nhân Tông: -
Đất phật xuân thong dong. Hai câu thơ này ở hai trạng thái hoàn toàn
khác nhau, vị trí khác nhau nhưng đã cho người đọc thấy được sự biến đổi
không chỉ theo quy luật mà còn có cả trong tâm thức người viết.
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ tác giả Trần Y Vinh (Hà Tĩnh) đã có bài thơ Giao thừa giàu ngẫm ngợi:
Thắp hương quỳ trước bàn thờ
Quờ tay chạm phải đôi bờ thời gian
Bờ kia rượu tiễn đông tàn
Bờ này mai đã nở vàng đón xuân
Người Biên Tập tiếc
rằng tác giả dùng chữ "quờ" không đúng chỗ cho lắm vì động tác này vô
tình đã làm vơi đi thành tâm của người đang quỳ trước bàn thờ khấn
nguyện và suy nghĩ về sự chuyển dịch của thời gian. Nên chăng tác giả
thay chữ "quờ tay" bằng "chắp tay" bài thơ sẽ vững vàng hơn.
Mùa xuân mang đến sự
đồng điệu, giao hòa giữa thiên nhiên, trời đất và con người. Đất trời
cảnh vật thì hồn nhiên mà con người thì tình ý nên thi tứ luôn nồng đượm
sắc màu, dạt dào tình cảm. Trong những ngày tết đến xuân sang này Người
Biên Tập chúc tất cả bạn viết một năm mới với nhiều thi hứng sáng tạo
mới.
Nguồn:http://vannghequandoi.vn/tho/Tho-du-xuan-3015_6399.html