Trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, văn hóa là những giá trị chung
của nhân loại, là tất cả những giá trị do con người sáng tạo ra trên nền
của thế giới tự nhiên. Nói đến văn hóa, người ta thường hình dung ra
những gì thanh cao, lịch lãm, sang trọng… Bản sắc văn hóa được bộc lộ rõ
nét thông qua nhiều phương diện trong đó có nghệ thuật ngôn từ mà ở đó
tác giả chính là nghệ sĩ. Đề cập đến thời cuộc với những vấn đề thời sự
nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại (như sự sụp đổ của chế độ xã hội
chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh; cuộc
chiến Coxovo; cú đánh 11/9/2001 và cách thức chống khủng bố; các vấn đề
sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền, kỷ nguyên số với nỗi ám ảnh mạng xã hội
“siêu quyền lực” và không thể kiểm soát…) để chỉ ra cái lõi văn hóa
trong cuộc sống tưởng như xa xôi, khiên cưỡng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đã kết hợp thành công hai nội dung tưởng chừng ít
liên quan này một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, song lại không kém phần
sâu sắc, tinh tế và vô cùng hấp dẫn, lột tả được mối quan hệ biện chứng
thế cuộc – văn hóa trong cuốn sách có tên gọi“Thời cuộc và văn hóa”.
Là một người nhạy cảm, hiểu biết và sắc sảo, nhà báo Hồ Quang Lợi luôn
biết cách dẫn dắt các ý tưởng của mình trong sự cân bằng giữa lý trí và
tình cảm. Mỗi từ, mỗi câu đều là nơi gặp gỡ giữa xúc cảm và tư duy, làm
bừng lên ý nghĩa bí ẩn sâu xa của đời sống nhân loại mà ông luôn day
dứt, trăn trở: lòng khát khao hòa bình, tình yêu tự do công lý, thái độ
tôn trọng lẽ phải… Các trang viết của nhà báo Hồ Quang Lợi đều lấp lánh
ánh sáng của lương tri, của tinh thần nhân ái, của lòng hướng thiện cao
cả. Chất văn hóa trong con người ấy bộc lộ ra từng con chữ và nó làm nên
vẻ đẹp sang trọng của văn hóa ngôn ngữ nơi ông mô tả sự nóng bỏng và
quyết liệt của thời cuộc. Những con chữ khô khan vào tay ông lại trở nên
có ma lực, sống động, có hồn để tạo nên phong cách Hồ Quang Lợi hút hồn
người đọc.
Trong bài "Hồ Quang Lợi – một cây bút chính luận xuất sắc", TS Phạm
Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
nhận xét: “Tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn
từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt
trên mặt sóng”.
Xuyên suốt hành trình cầm bút, chất văn hóa thấm đẫm trong con người
hiển hiện giữa các dòng chữ của Hồ Quang Lợi. Bởi vậy, ngòi bút ông
hướng đến, quan tâm, dành cả trí lực và tâm huyết cho các vấn đề thời
cuộc, những phong ba của chính trường thế giới, những nhịp thở thời sự
trong cuộc sống đương đại, để nhìn nhận, phản ánh từ góc độ văn hóa. Đây
là cuốn sách nhà báo Hồ Quang Lợi đề cao văn hóa như một thực thể độc
lập chính thức nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút bởi trí tuệ sắc sảo, tỉnh
táo, không lên gân, khiên cưỡng lại đậm chất thời sự khi viết về những
nhà văn hóa, những vấn đề văn hóa, đạo đức – phẩm cách nhà báo.
Độc giả dù khó tính vẫn tìm thấy ở đây hai chân dung hoàn chỉnh trong
một con người: Nhà báo văn hóa trong Văn hóa nhà báo Hồ Quang Lợi, và
cũng cảm nhận được sâu sắc Thời cuộc văn hóa và Văn hóa thời cuộc qua
từng trang viết, từng câu chữ trong cuốn sách này của một “nghệ sĩ ngôn
từ” hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam – nhà báo Hồ Quang
Lợi.
Nói về Hồ Quang Lợi, TS Phạm Quang Nghị viết thay lời tựa trong cuốn
sách rằng: Trong đội ngũ những người làm báo, Hồ Quang Lợi là người sớm
nổi tiếng, mặc dù với nếp nghĩ truyền thống, khi nói sự nổi tiếng về
nghề của một ai đó rất hiếm khi chúng ta suy tôn người trẻ. Hầu như các
danh hiệu tôn vinh, kể cả đến bây giờ, đều luôn mang tính dáng dấp của
sự “kính lão đắc thọ”. Một nghệ sĩ hát rất hay, múa rất đẹp, thường chỉ
được tôn vinh, được nhận những danh hiệu phong tặng khi đã về già dẫu ai
cũng biết làm như thế là trái với sự tổng kết vô cùng chí lý trong dân
gian: “Thầy già, con hát trẻ”.
“Với Hồ Quang Lợi, có lẽ không phải chờ đến bây giờ, khi anh đã gần 40
năm tuổi nghề, hơn 60 năm tuổi đời, mọi người mới gọi anh là một nhà báo
nổi tiếng. Một cây bút từ lâu đã lựa chọn cho mình một thể loại không
hề dễ dàng, chuyên viết bình luận, chính luận đã nhận được nhiều giải
thưởng báo chí quốc gia; là Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân,
Tổng Biên tập báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt
Nam… Có lẽ nhiều người không nhớ và cũng không biết đến những chức danh
lãnh đạo của anh. Nhưng nói đến nhà báo Hồ Quang Lợi thì chẳng mấy ai
lại không biết. Tôi nghĩ, với những người lao động bằng nghề cầm bút,
thì đó là niềm vui, là vinh dự lớn lao nhất. Và tôi dám chắc, những
người có tiền rừng bạc biển, chức trọng quyền cao, dẫn muốn đổi, muốn
mua cũng không được” – TS Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.
Cuốn sách bao gồm 523 trang, tập hợp 56 bài báo, tuyển chọn theo chủ
đề, được viết trong khoảng thời gian trên 20 năm với tràn ngập các sự
kiện trong nước và thế giới; được in theo khổ 14,5 x 20,5 cm do Nhà xuất
bản Hà Nội phát hành.
Cuốn sách với 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm
cách những con người; Lõi làng văn hiến Việt Nam; Văn hóa và báo chí.
Trong đó những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong
các bài báo Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với
những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ, mà còn bao quát hiện
tại và dự báo cho tương lai. Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới
của Hồ Quang Lợi luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện
chứng
Ngày 12/6 tới đây, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), cuốn sách“Thời cuộc và văn hóa”của
nhà báo Hồ Quang Lợi sẽ ra mắt bạn đọc. Cuốn sách sẽ là tài liệu quý,
có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với những người làm báo chí,
truyền thông./.
Nguồn: dangcongsan.vn