CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 62   

Thế giới tuần qua: Nước Nga với thông điệp đoàn kết Ngày Chiến thắng

Thế giới tuần qua chứng kiến sự kiện nước Nga kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã khiến nhiều hoạt động diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, không khí kỷ niệm Ngày Chiến thắng vẫn ngập tràn khắp nơi trên đất nước Nga.

Nga kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 – 9/5/2020)

Tổng thống Nga V.Putin tới đặt hoa tại Ngọn lửa Vĩnh cửu, bên Mộ Liệt sĩ vô danh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. (Ảnh: TASS)

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Liên bang Nga vẫn tổ chức hàng loạt các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, toàn bộ lễ kỷ niệm tại Moskva được tường thuật trực tiếp trên website của Bộ Quốc phòng Nga.

Đúng 10 giờ sáng ngày 9/5 (14 giờ, giờ Hà Nội), Tổng thống Nga V.Putin đã tới đặt hoa tại Ngọn lửa vĩnh cửu, bên Mộ liệt sĩ vô danh, nằm cạnh bức tường Điện Kremlin, trong Khu vườn Aleksandrovsky và long trọng tuyên bố Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin đã ca ngợi truyền thống yêu nước và sự hy sinh to lớn của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bày tỏ lời biết ơn sâu sắc nhất và gửi lời chúc đến các cựu chiến binh. Tổng thống Putin nói: “Đây là ký ức và niềm tự hào của chúng ta, là lịch sử của đất nước chúng ta, là một phần tâm hồn của chúng ta vốn đã được cha mẹ, ông bà truyền lại cho chúng ta”….

Người đứng đầu nhà nước Nga đánh giá cao sự đoàn kết của các dân tộc Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung: “Chúng ta cúi đầu trước thế hệ những người chiến thắng vĩ đại. Họ đã cứu nguy cho Tổ quốc, giải phóng thế giới, khôi phục các thành phố và làng mạc. Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với chiến công của nhân dân Liên Xô vĩ đại, những người có các quốc tịch khác nhau nhưng đã kề vai sát cánh bên nhau”.

Tổng thống Nga kết luận những kỷ niệm và những niềm hy vọng chung, những khát vọng và trách nhiệm chung trước hiện tại và tương lai sẽ gắn kết tất cả người dân Nga, đồng thời bày tỏ tin tưởng "chúng ta sẽ chiến thắng khi sát cánh bên nhau".

Nga ban đầu có kế hoạch tiến hành lễ duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 mà Nga và các nước Đông Âu gọi là Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, Nga đã thay thế buổi lễ quy mô này bằng phần trình diễn máy bay của của Không quân sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Giữa bối cảnh đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp tại Nga, Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn là sự kiện rất quan trọng đối với nước này và toàn thể người dân. Sự kiện góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc khi mà nước Nga vĩ đại đang đứng trước thềm một cuộc bỏ phiếu toàn dân để sửa đổi Hiến pháp cũng như đang hướng tới những kỳ tích kinh tế trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng gồm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào năm 2021 và bầu cử tổng thống Nga năm 2024.

Số ca lây nhiễm COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng

Số ca lây nhiễm COVID-19 trên thế giới không ngừng gia tăng. (Ảnh: AP)

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 10/5 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lan sang 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 4.100.625 ca lây nhiễm, trong đó 280.431 ca tử vong và 1.439.919 ca phục hồi.

Hiện, Mỹ vẫn là tâm điểm của dịch bệnh trên toàn thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 24.923 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 1.347.309 trường hợp. Hiện số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã lên tới 80.838 ca, sau khi có thêm 1.407 ca tử vong mới ghi nhận trong 24 giờ qua.

Cho tới nay, châu Âu ghi nhận 1.605.817 ca mắc COVID-19, với 151.765 ca tử vong và 647.210 ca phục hồi. Tây Ban Nha đang là nước hứng chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch, với 262.783 ca mắc COVID-19 và 26.478 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tới sáng 10/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Bắc Mỹ là 1.472.381 trường hợp, với 88.851 ca tử vong. Khu vực Nam Mỹ ghi nhận có tổng cộng 298.125 ca lây nhiễm và 15.400 ca tử vong vì dịch bệnh.

Con số này tại châu Á lần lượt là 650.898 và 21.851 trường hợp.

Hiện châu Đại dương ghi nhận 8.527 ca nhiễm COVID-19 và 118 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia đang là nước đứng đầu bảng danh sách thống kê trong khu vực, với 6.929 ca nhiễm và 97 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh chính phủ mới thành lập ở Iraq

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres . (Ảnh: Getty Images)

Ngày 7/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh chính phủ mới được thành lập ở Iraq do Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đứng đầu.

Trong thông cáo được người phát ngôn Stephane Dujarric công bố, TTK Guterres đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới của Iraq, đồng thời kêu gọi tiến hành cải tổ để cải thiện đời sống cho người dân, cũng như củng cố các cơ quan dân chủ ở quốc gia Trung Đông này.Ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động vì lợi ích của người dân Iraq thông qua một tiến trình chính trị mà ở đó, phụ nữ, thanh niên, cũng như tất cả các cộng đồng đa sắc tộc và tôn giáo của Iraq đều có thể chủ động tham gia.

TTK LHQ khuyến khích nhanh chóng hoàn thành công tác thành lập Chính phủ mới của Iraq, kể cả việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí hiện chưa có người nắm giữ trong nội các. Ông cũng khẳng định cam kết của LHQ về việc hỗ trợ người dân và Chính phủ Iraq đẩy lùi đại dịch COVID-19 và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Trước đó, cùng ngày, các nhà lập pháp thuộc Quốc hội Iraq đã thông qua quyết định bổ nhiệm Thủ tướng do Tổng thống Barham Salih chỉ định cũng như thành phần nội các mới sau 6 tháng nước này rơi vào bế tắc chính trị.

Theo đó, Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi, người từng giữ chức vụ Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Iraq, đồng thời cũng là cựu nhà báo đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/5. Tổng cộng đã có 255/329 thành viên Quốc hội đã tham gia bỏ phiếu thông qua kế hoạch của Chính phủ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quan ngại chiến sự gia tăng ở Libya

HĐBA LHQ ngày 5/5 đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình tại Libya.
(Ảnh: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5/5 đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình tại Libya, với sự tham dự của Công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cũng như Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya tại LHQ.

Tại cuộc họp, các nước thành viên HĐBA đã bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự gia tăng, cũng như tác động về an ninh và nhân đạo ở Libya thời gian gần đây, đặc biệt là những vụ tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở dân sự, trong đó có cơ sở y tế, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các nước kêu gọi các bên liên quan ở Libya chấm dứt chiến sự, tuân thủ đình chiến nhân đạo, bảo đảm tiếp cận viện trợ nhân đạo đầy đủ và hướng tới một giải pháp chính trị. Một số nước hoan nghênh báo cáo của Công tố viên ICC trên cơ sở Nghị quyết 1970 (2011) của HĐBA, kêu gọi chính quyền Libya và các bên liên quan bắt giữ và giao nộp những cá nhân được cho có hành vi phạm tội ác chống loài người và tội ác chiến tranh theo đề nghị của ICC.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Libya nhấn mạnh việc bảo đảm công lý là vấn đề thuộc chủ quyền và thẩm quyền của quốc gia, khẳng định các cơ quan chức năng Libya có đầy đủ năng lực tư pháp và chính quyền Libya cam kết thực thi các nghị quyết của HĐBA, trong đó có Nghị quyết 1970.

Tình hình an ninh và nhân đạo tại Libya tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian gần đây bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký LHQ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo về thương vong thường dân của Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) trong quý I/2020, đã có 64 dân thường thiệt mạng và 67 người bị thương, tăng 45% so với quý I/2019.

Rò rỉ khí độc tại nhà máy hóa chất ở Ấn Độ, hàng nghìn người nhập viện

Các nhà chức trách Ấn Độ hiện đang tiến hành điều tra nhằm xác minh nguyên nhân gây ra vụ việc. (Ảnh: Getty Images)

Sáng 7/5, một vụ rò rỉ khí gas nghiêm trọng đã xảy tại nhà máy hóa chất LG Polymers, thuộc sở hữu của Tập đoàn LG Chemical Ltd (Hàn Quốc) ở huyện Visakhapatnam, thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.

Sáng ngày 8/5, khí độc tại nhà máy vẫn tiếp tục rò rỉ sau chưa đầy 24 giờ xảy ra sự cố. Theo báo cáo, khí gas đã phát tán ra xa khoảng 3 km, gây ảnh hưởng tới người dân tại ít nhất 5 ngôi làng lân cận. Theo chính quyền địa phương, hàng nghìn người đã phải nhập viện. Giới chức địa phương đã khẩn trương sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm sau khi sự việc xảy ra.

Các bác sĩ tại Bệnh viện King George tại Visakhapatnam cho biết, bệnh nhân đã hít phải khí styren được dùng để sản xuất nhựa và cao su. Khí styren được coi là một độc tố có hại cho các mô thần kinh. Người hít phải khí này trong vòng vài phút có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Các bác sĩ cho hay, nhiều bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nóng rát ở mắt, khó thở và nôn mửa.

Trong tuyên bố mới nhất, Tập đoàn LG Chemical Ltd khẳng định đã kiểm soát được vụ rò rỉ và đang mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân, cũng như xác định mức độ thiệt hại về người trong vụ việc.

Vụ rò rỉ khí gas khiến người dân Ấn Độ nhớ lại thảm họa Bhopal,một thảm họa công nghiệp xảy ra tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sở hữu và điều hành bởiUnion Carbide(UCIL) ởBhopal,Madhya Pradesh vào năm 1984, khiến gần 4.000 người tử vong và hơn 500.000 người bị ảnh hưởng./.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-nuoc-nga-voi-thong-diep-doan-ket-ngay-chien-thang-554456.html

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 74394