CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 49   

Thế giới tuần qua: "Ngòi nổ xung đột” ở Capcaz

Bên cạnh những diễn biến đáng lo ngại của đại dịch COVID-19, trong tuần qua (28/9 - 4/10), thế giới chứng kiến những bước leo thang căng thẳng liên tiếp trong quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan. Khu vực Capcaz vốn nhiều bất ổn nay lại đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột mới.

WHO kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó đại dịch

Nhân viên y tế thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của người dân trong chiến dịch kiểm tra sức khỏe và truy vết tiếp xúc tại Yangon, Myanmar. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/10 đã kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng tại nhiều quốc gia.

Phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới hiện ghi nhận trung bình 2 triệu ca nhiễm COVID-19 mới mỗi tuần. Số ca tử vong cũng đã vượt mốc 1 triệu người. Do vậy, WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tăng cường biện pháp ứng phó với đại dịch.

“Với khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, chiến lược rõ ràng và toàn diện, thông tin liên lạc nhất quán và sự đồng lòng của người dân, không bao giờ quá muộn để lật ngược tình thế dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới tăng cường phản ứng đối với dịch bệnh, đưa ra nhiều biện pháp ứng phó theo khuyến nghị, đảm bảo rằng, hệ thống y tế và người dân toàn cầu phải được bảo vệ và cứu sống”, Tổng Giám đốc WHO nói.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh, thế giới có thể chia thành 4 nhóm quốc gia dựa trên tình hình dịch bệnh khác nhau để đưa ra những khuyến nghị ứng phó phù hợp, bắt đầu từ những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19 và tránh được các đợt bùng phát lớn. Nhóm quốc gia thứ 2 gồm các nước đối mặt với đợt bùng phát quy mô lớn nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Nhóm 3 là các nước đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại đối mặt với làn sóng dịch bệnh tiếp theo vì nới lỏng hạn chế. Nhóm cuối cùng là các nước có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng.

Thông điệp trên được người đứng đầu WHO đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục lây lan chưa có điểm dừng tại nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, tính đến sáng 4/10, thế giới đã ghi nhận 35.122.298 ca nhiễm và 1.037.524 ca tử vong vì COVID-19.

Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Armenia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với OSCE tái thiết lập ngừng bắn

Khung cảnh tan hoang sau các cuộc giao tranh tại Nagorno - Karabakh. (Ảnh: TASS/AP)

Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố nước này sẵn sàng phối hợp với Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hướng tới thiết lập lại lệnh ngừng bắn tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.

Trước đó, ngày 1/10, lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ đã ra tuyên bố chung trên cương vị đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nối lại các vòng đàm phán thực chất một cách vô điều kiện để giải quyết căng thẳng liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia "hoan nghênh việc lãnh đạo các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực tại khu vực Nagorny-Karabakh", đồng thời nêu rõ "Armenia chủ trương giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình". Tuyên bố khẳng định Armenia sẵn sàng hợp tác với các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk hướng tới ngừng bắn trên cơ sở các thỏa thuận 1994-1995.

Tuy nhiên, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera đã tuyên bố rằng Baku chỉ đồng ý ngừng bắn khi Armenia rút quân đội khỏi vùng Nagorny-Karabakh.

Từ nhiều ngày qua, các cuộc đụng độ gây thương vong giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tái diễn tại khu vực tranh chấp đang có nguy cơ thổi bùng những căng thẳng âm ỉ trong quan hệ giữa hai nước láng giềng trong suốt hơn 30 năm qua. Đáng lo ngại là những mâu thuẫn giữa hai nước Cộng hòa thuộc Liên xô cũ không còn là câu chuyện riêng của họ mà đã trở thành một vấn đề lôi kéo sự can dự và gây tranh cãi đối với nhiều nước, đẩy khu vực đứng trước nguy cơ bị can thiệp từ phía bên ngoài.

Sau nhiều ngày tiếp diễn, chiến sự tại Nagorny-Karabakh đang leo thang chưa có điểm dừng, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế. Giới chức Armenia ngày 3/10 cho biết các lực lượng của nước này và Azerbaijan đã giao tranh dữ dội ở khu vực tranh chấp sau khi phía Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công mới với quy mô lớn vào khu vực.

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên diễn ra tại TP Cleveland, bang Ohio, sáng 30/9. (Ảnh: AP)

Sáng 30/9 theo giờ Hà Nội, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã chính thức bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở bang Ohio. Đây là 1 trong số 3 cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Nội dung cuộc tranh luận xoay quanh 6 chủ đề chính, trong đó hai bên tập trung công kích lẫn nhau trong vấn đề hồ sơ thuế và cách ứng phó dịch COVID-19. Ngoài ra, hai ứng cử viên cũng tranh luận về vấn đề phân biệt chủng tộc và tình trạng bạo lực ở khắp nước Mỹ trong thời gian qua, cũng như bảo vệ tính minh bạch và toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cuộc tranh luận đã trở nên “nóng” ngay từ những phút đầu tiên khi đề cập đến vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao. Trong khi Tổng thống Donald Trump bảo vệ quyết định đề cử ứng viên của mình và muốn thúc đẩy tiến trình này sớm thì đối thủ Joe Biden cho rằng nên đợi sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống.

Cuộc đối đầu càng trở nên gay gắt khi hai ứng cử viên tranh luận về vấn đề y tế và đại dịch COVID-19. Ông Joe Biden chỉ trích ông Trump không có bất kỳ chiến lược nào ứng phó với đại dịch, và không hỗ trợ được các doanh nghiệp nhỏ và người dân gặp khó khăn vì dịch. Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định sẽ sớm có vaccine COVID-19. Ông chủ Nhà Trắng cũng bảo vệ quan điểm cần mở cửa nền kinh tế và các hoạt động khác bất chấp đại dịch.

Theo kết quả thăm dò của CNN sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, 60% người theo dõi sự kiện này cho rằng cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã làm tốt hơn đương kim Tổng thống Donald Trump trong buổi tranh luận. Trong khi đó, 28% khác cho rằng ông Trump đã làm tốt hơn ông Biden. Cũng theo CNN, 57% người theo dõi cuộc tranh luận cho biết, sự kiện này không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn Tổng thống của họ.

Theo kế hoạch, hai ứng cử viên tổng thống này sẽ tham gia thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp, lần lượt diễn ra ở bang Florida vào ngày 15/10 và ở bang Tennessee vào ngày 22/10 trước khi diễn ra ngày bầu cử chính thức 3/11.

Chứng khoán châu Á và châu Âu "đỏ sàn" sau thông tin Tổng thống Mỹ mắc COVID-19

Tổng thống Donald Trump lúc chuẩn bị lên trực thăng để nhập viện điều trị COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch 2/10 sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7%, tương đương 155,22 điểm, xuống còn 23.029.90 điểm. Chỉ số này đã giảm 0,75% tính từ đầu tuần này. Chỉ số Topix cũng giảm 1%, tương đương 16,27 điểm, về mức 1.609.22 điểm, và giảm 1,53% trong cả tuần.

Chứng khoán tại Sydney (Australia), Singapore, Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan) đều đồng loạt giảm hơn 1%. Riêng chứng khoán ở Manila (Philippines) và Wellington (New Zealand) đi lên.

"Sắc đỏ" cũng lan sang châu Âu khi các chỉ số chứng khoản mở phiên đều giảm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) giảm 1,1% xuống còn 5.812.76 điểm, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) mất 1,4 % xuống còn 12,550,73 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) "trượt" 1,4% và chốt phiên mức 4.758.69 điểm.

Trước đó, tối 1/10 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Trump thông báo ông cùng Đệ nhất phu nhân Melania có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhà Trắng đã quyết định lược bỏ chuyến đi vận động tranh cử tại bang Florida khỏi lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 3/11), nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ buộc phải hủy bỏ một loạt kế hoạch vận động tranh cử trong tuần này và tuần tiếp theo.

Hiện những thông tin về tình hình sức khỏe của ông D.Trump đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi không chỉ ảnh hưởng tới cách thức điều hành nền kinh tế số 1 thế giới mà còn có thể tác động tới cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới.

Hơn 60 nước và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030

Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/9, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 25% tổng sản phẩm GDP toàn cầu, công bố các cam kết khẩn trương hành động nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái Đất cũng như ngăn chặn sự suy thoái và mất đa dạng sinh học.

Lãnh đạo của các nước, trong đó có Đức, Pháp, Anh và Mexico, đã cùng ký tên vào Bản cam kết của các Nhà lãnh đạo đối với Tự nhiên. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tình trạng tàn phá thiên nhiên gây ra “mối nguy hại không thể đảo ngược” đối với sự sống trên Trái Đất, khiến bất bình đẳng và biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn và gia tăng nguy cơ xảy ra những đại dịch như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, các lãnh đạo cam kết giảm ô nhiễm không khí, ngăn chặn rác thải nhựa đại dương và chuyển sang hệ thống sản xuất và cung cấp lương thực bền vững hơn vào năm 2030.

Các nước cũng đảm bảo xây dựng một kế hoạch “đầy tham vọng” trước thềm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học được tổ chức tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào năm tới. Kế hoạch sẽ bao gồm biện pháp chấm dứt các chương trình trợ cấp cho hoạt động khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tăng chi ngân sách vào khôi phục các khu vực hoang dã như rừng và vùng đầm lầy, nâng cấp các hệ thống canh tác trên thế giới nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và lãng phí lương thực.

Những cam kết mới được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Liên hợp quốc cảnh báo các nước có thể không đạt được những cam kết trong tổng số 20 cam kết đã đưa ra 10 năm trước nhằm làm chậm lại cũng như đảo chiều quá trình mất đa dạng sinh học. Trong tháng 9 này, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) công bố chỉ số Hành tinh sống (được thực hiện 2 năm/lần), trong đó nêu rõ gần 70% số lượng các loài động vật hoang dã, chim, cá và thực vật đã biến mất trên Trái Đất kể từ năm 1970. Theo báo cáo của hội đồng các nhà khoa học quốc tế IPBES công bố hồi năm ngoái, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại thì có tới 1 triệu loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng./.

Nguồn:http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-ngoi-no-xung-dot-o-capcaz-564836.html

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 71370