|
Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Indonesia tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nhận lời mời của Chủ tịch ASEAN
2021, Quốc vương Bru-nây Đa-rút-xa-lam Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a, hôm
nay (23/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu
cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban
Thư ký ASEAN, Gia-các-ta, In-đô-nê-xia từ ngày 23-24/4/2021. Đây là
chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN diễn ra
trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và
giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hội nghị cũng là dịp
Việt Nam thể hiện ưu tiên của mình là thắt chặt và củng cố đoàn kết,
tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN được
tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Gia-các-ta, Thủ tướng Phạm Minh
Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN sẽ trao đổi quan
điểm về tình hình Mi-an-ma, cũng như bàn các biện pháp tiếp tục thúc đẩy
tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ứng phó đại dịch và tăng cường
quan hệ đối ngoại của Hiệp hội. Hội nghị thể hiện sự đoàn kết, thống
nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức
nổi lên, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho
phát triển bền vững của từng nước thành viên và của cả khu vực.
Thời gia qua, đối mặt với đại dịch chưa
từng có, Việt Nam cùng ASEAN đã có những bước đi phù hợp, hiệu quả.
Trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch
(tháng 3/2020), Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ
động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch
COVID-19 (14/2/2020), sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN,
đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của
Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng
khẩn cấp.
Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của
ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng,
chống dịch. Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp của ASEAN với
các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Liên minh
châu Âu (EU), Hoa Kỳ… Nhờ đó, WHO đã nhận được nhiều cam kết đóng góp
tài chính cho nỗ lực chung chống đại dịch. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN
lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11/2020, các nhà lãnh đạo đã thông qua
nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh,
đưa vào triển khai Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế
khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp
của ASEAN, Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công
cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi
tổng thể ASEAN, Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN và Kế hoạch triển khai
đồng bộ trên cả 3 trụ cột nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm
khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc
gia.
Việt Nam đã và đang có những đóng góp
thiết thực cho cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, trong năm 2020, trên cương vị
Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động
thích ứng khi phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN vượt qua
khó khăn thách thức của đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển; thể hiện
trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc
tế. Có thể nói, đại dịch COVID-19 là một phép thử quan trọng về khả năng
phục hồi của ASEAN và khả năng dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ
tịch ASEAN năm 2020. Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động
mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và
tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2020
đã diễn ra một cách sôi động thay vì trầm lắng như những quan ngại ban
đầu khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong
Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong năm 2021 Việt Nam cùng các nước thành
viên ASEAN tiếp tục thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên trong khu vực, đóng
góp chủ động, tích cực cho các vấn đề chung trong khu vực và quốc tế.
Theo đó, tiếp tục triển khai các kết quả
của năm ASEAN 2020, trên cơ sở Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng
ASEAN 2025 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng
11/2020), các nước ASEAN cơ bản thống nhất về dự thảo Điều khoản tham
chiếu (TOR) của Nhóm đặc trách cao cấp về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng
ASEAN sau năm 2025, cũng như Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN
sau năm 2025. Dự kiến hai tài liệu này sẽ thông qua tại Hội nghị Tham
vấn chung ASEAN (JCM) thông qua vào tháng 5/2021.
Trong quá trình đánh giá triển khai Hiến
chương ASEAN, các nước ủng hộ đẩy nhanh việc đánh giá triển khai Hiến
chương ASEAN, đặt mục tiêu hoàn tất trong năm 2021. Dự kiến, Hội đồng
Điều phối ASEAN (ACC) sẽ chính thức giao Ủy ban các Đại diện Thường trực
tại ASEAN (CPR) đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN tại cuộc họp
diễn ra vào tháng 8/2021.
Đối với vấn đề hợp tác tiểu vùng và thu
hẹp khoảng cách phát triển, trong vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách về
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), Việt Nam đã gửi các nước dự thảo quy
trình tổ chức Đối thoại ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các
tiểu vùng vì phục hồi toàn diện và phát triển bền vững. Các nước ASEAN
hoan nghênh đề xuất của Việt Nam.
Nằm trong sáng kiến đề cao bản sắc, hình
ảnh và giá trị chung của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng đang hoàn tất
các thủ tục nội bộ để treo cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ Việt Nam tại trụ sở
các cơ quan Chính phủ.
Về các sáng kiến chung ứng phó COVID-19,
hiện Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) đang được triển khai tích
cực, đến cuối tháng 3/2021, đã có 22 trong tổng số 184 sáng kiến được
hoàn tất, 82 sáng kiến đang được triển khai (trong đó 59 sáng kiến hoàn
tất một phần), 21 sáng kiến chưa triển khai trong năm 2021. Ban Thư ký
ASEAN đang tuyển dụng nhân sự cho Nhóm đặc trách với nhiệm vụ giám sát,
đánh giá, phối hợp và huy động nguồn lực triển khai ACRF.
Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 hiện cũng
được 14 nước ủng hộ với số tiền 16,5 triệu USD. Các nước đang trao đổi
về việc sử dụng 10,5 triệu USD từ quỹ này để mua vaccine cho các nước
thành viên và cán bộ Ban Thư ký ASEAN. Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN
(RRMS) cũng được các nước ASEAN nhất trí tiếp tục đóng góp trên cơ sở
tuân thủ các quy định của quốc tế về vật tư y tế.
Các nước ASEAN lựa chọn nước đăng cai
Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi
(AC-PHEED); hoàn tất các bước cuối cùng để thông qua chi tiết dự án
thành lập Trung tâm (thiết kế, các quy định về tài chính, cơ cấu tổ
chức...).
Đối với Thỏa thuận Hành lang đi lại
ASEAN (ATCAF), tại Cuộc họp thứ nhất của Nhóm đặc trách xây dựng ATCAF,
các nước đều khẳng định sẽ hợp tác để hoàn tất ATCAF theo kế hoạch. Các
nước ASEAN đang trao đổi nội bộ về dự thảo ban đầu của Khung hành lang
đi lại ASEAN và chuẩn bị cho Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm đặc trách.
Chuyến công du của Thủ tướng nhằm khẳng
định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ
với các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm
và vị thế của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức mới nổi lên,
qua đó, tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững
của từng nước và của cả khu vực./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-bat-dau-chuyen-cong-du-dau-tien-579026.html