CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 70   

Tóc xanh mấy mùa

Ông Đặng mân mê tấm vé tàu, kín đáo liếc quanh, như thể sợ bị bắt quả tang làm điều vụng trộm. Dặng hắng mấy cái. Xốc xốc cổ áo. Tự tin. Mỉm cười một mình. Cuối cùng, cũng cưa đứt đục suốt! Cũng đi đến kết thúc. Sự kết thúc này, không phải là chấm hết, nhá! Mà là mở đầu. Sự mở đầu cuộc sống mong ước cả một đời người.

Ông soi đi soi lại mấy lần tấm vé. Số hiệu con tàu, ngày giờ, số toa, số giường nằm. Ông lật qua lật lại mấy lần roong giấy mỏng. Đôi khi, ông kín đáo đưa lên môi, tựa thể hôn người con gái hẹn đón đợi ông ngày kia ở sân ga. Không phải giấc mơ! Sự thật đây, tấm vé tàu nóng ấm và thơm mùi mực. Nó không chịu yên trên túi áo ngực ông, cứ rúc rích như con chim nhỏ tinh nghịch.

Tấm vé tàu chứng thực một điều trọng đại rằng, ngày mai ông vào Sài Sòn. Vào với người gần ba mươi năm ông chờ đợi một câu trả lời. Không mệt mỏi. Không chán nản. “Em đón anh ở sân ga...”. Ông mừng rung que rung cọng. Mừng phát ngố phát ngọng. Đời người, có lẽ không có nỗi nào lớn hơn nỗi sướng này. Cái anh chàng sinh viên cờ đỏ hồi đó khuyên yêu thôi, không cưới được, ngỡ đúng, mà trật lất! Giờ thì ông cưới đây! Ông sẽ cưới rênh rang, rộn ràng, trong một nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố với hàng ngàn con mắt bạn bè ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ về ý chí của ông, ý chí một người lính trận. Ngưỡng mộ về tình yêu của ông, một tình yêu không giới hạn. Ngưỡng mộ về người đẹp của ông, một người đẹp hết thảy đàn ông đều mơ ước.

Hẳn rồi! Tấm vé tàu, tờ thông hành, chiếc chìa khóa, cho phép ông mở cửa trái tim Hoài, đưa nàng về dinh, đã chứng thực điều đó. Còn gì tuyệt vời hơn? Trái tim ông bất lực đeo đuổi tuyệt vọng suốt gần ba mươi năm qua. Như người trên chiếc thuyền câu nhỏ, lưỡi vướng hàm một con cá lớn và con cá kéo ông đi khắp cùng trời cuối biển gần ba mươi năm qua, không hi vọng có lúc dừng. Không hi vọng nhìn thấy mặt con cá.

Đã có lúc hình như dây câu bị đứt, ông chơi vơi giữa trùng khơi. Chỉ bấu víu vào hình ảnh khắc sâu trong dạ. Một sân khấu trên vùng đồi, giữa bốn bề sim mua. Cạnh những dãy lán sinh viên trường sư phạm sơ tán, chưa kịp chuyển về sau chiến tranh. Mắt Đặng như thôi miên bởi một đôi chân thon dài. Một thân hình róng rảy tuyệt đẹp. Một gương mặt trái xoan tươi rói. Một mái tóc lượn sóng tự nhiên. Ánh đèn ảo mờ. Màu trăng hoang sơ. Những vạt rừng lúp xúp sim mua hoang dại chạy quanh lớp học. Những lán tranh tre nứa lá, và xa tít là dãy Trường Sơn tím thẫm nền trời đêm phía tây tựa bức tường thành. Ánh trăng bập bùng. Tiếng trống bập bùng. Điệu nhảy bập bùng. Đặng lọt thỏm giữa rừng người chập chùng. Mặt Hoài cũng nhuốm màu man dại. Dù ở hướng nào trên sân khấu, Đặng cũng thấy Hoài quay về phía anh. Mỉm cười với anh. Đêm văn nghệ như một chương trình của người đẹp dành riêng cho anh, khi trong tà áo trắng nữ sinh lả lướt sân trường, lúc cô bộ đội giữa rừng chiến khu, suối khe róc rách, rồi bộ bà ba đen cô gái Sài Gòn đi tải đạn, thiếu nữ miền sơn cước với nhịp chày bập bùng giã gạo giã lẫn ánh trăng...

Lúc đó, Đặng là kĩ sư mới ra trường về công tác ở cơ quan bố Hoài sau năm năm chiến đấu ngoài mặt trận. Một trận bom làm anh gãy xương ống chân sát đầu gối khiến dáng đi hơi lệch. Anh phải đệm thêm một lớp cao su ở đế dép, để tạo thăng bằng. Anh thường bận quân phục xanh màu cỏ, cái màu khiến ai cũng thương nể. Có lẽ thế, nên bố Hoài chóng gần gũi anh, bố trí cho anh công việc thuận lợi. Và hai người thành bạn vong niên. Tự lúc nào, ông cố ý tạo điều kiện cho Đặng gặp được Hoài, cô con gái rượu rất mực xinh đẹp của mình. Đêm văn nghệ của trường sư phạm nơi sơ tán, cách hàng trăm cây số đường đồi núi được ông mật báo cho Đặng hay. Chỉ có cái tên, và tấm ảnh chân dung bằng mấy đốt tay ông trao cho, anh tự coi mình là người yêu của Hoài, từ lâu lắm. Nhưng Hoài hình như không biết điều đó. Đêm văn nghệ kết thúc, sinh viên ai về lớp nấy. Chỉ còn mình Đặng đứng thẫn thờ trên bãi cỏ. Chần chừ, định bụng cất bước đi tìm, nhưng biết Hoài ở dãy nào, phòng nào? Và nếu gặp được, sẽ ăn nói ra sao? Hai người nào đã biết mặt nhau? Nào đã thư qua từ lại?

Nhưng đây là cơ hội! Đã vượt trăm cây số núi đồi khe suối bì bõm đến đây, há dễ chỉ để nhìn Hoài từ xa? Không gặp, đợi lúc nào nữa? Xa xôi vạn dặm trắc trở thế kia! Vừa nghĩ, chân Đặng đã lò dò đi dọc hành lang một dãy lán nữ sinh từ lúc nào. Mấy cửa chính đóng chặt. Các cửa sổ lọt ra thứ ánh sáng của những chiếc đèn dầu yếu ớt. Ai cũng chăm chú vào trang sách. Những khuôn mặt nhìn nghiêng hao hao. Lặng phắc!

Đặng run run bước. Hồi hộp. Trống ngực dội thình thình. Gương mặt nào anh tìm? Hoài của anh có ở đây không? Chợt anh giật mình, suýt va phải một bóng người. Anh ta có lẽ cũng không thấy Đặng. Nhưng anh ta tỉnh như sáo trong khi Đặng phát hoảng như bị bắt quả tang rình mò. Chút ánh sáng mơ hồ cho Đặng thấy cái băng đỏ trên tay áo anh ta. Ra là đội cờ đỏ. Đặng đành cung cúc bước theo. Ra đến ngoài hoang cỏ, chiếc đèn pin trong tay anh ta bật một đốm sáng đỏ nhờ tựa con đom đóm bay lạc. Đặng moi mấy thứ giấy tờ tùy thân chìa ra. “Anh đến đây làm gì?”. “Xem văn nghệ”. “Văn nghệ bãi rồi! Anh lò dò đến lán nữ làm chi?”. “Tôi tìm... tôi tìm... gặp... người yêu”. Đặng nói liều. “Rứa... người yêu của anh là ai? Cô nào? Lớp nào? Khoa nào? Phòng mô?”. Đặng cứng lưỡi. Ấp úng không ra lời. Đã liều ba bảy cũng liều, Đặng lí nhí: “Lê Hoài...”. “Á á!.. Lê Hoài, lớp Ngữ văn, khoa Văn-Sử, hoa khôi của trường”. Anh ta gật gù, tựa đang thưởng thức vẻ đẹp của Hoài. “Hừm! Anh tốt số đấy! Nam sinh trường ni, tài hoa không thiếu. Rứa mà chẳng anh mô lọt mắt cô nàng!”. Mặt Đặng đỏ rần trong bóng tối. Nhưng anh chàng cờ đỏ bỗng lắc đầu, chậc lưỡi, tiếc rẻ. Đặng hoang mang: “Sao ạ?”. “Muộn rồi! Giờ nội bất xuất, ngoại bất nhập!”. Anh chàng cờ đỏ lia hạt đèn pin sang lối mòn giữa bãi sim ý mời anh ra. Đặng cun cút đẩy xe đạp theo lối đó. Chợt anh ta đuổi theo, tần ngần nói: “Người đẹp nước nớ, chỉ yêu thôi! Cưới không được mô!”. “Răng anh nói rứa?”. Đặng hỏi thân tình, nông quê. “Thì như bông hoa đẹp, rực rỡ hương sắc. Ong bướm xúm về. Rồi thành ra chẳng giữ được của riêng”. Ra thế! Ra thế! Mặc! Đặng lên xe, nhấn bàn đạp.

Đặng có thừa quyết tâm. Trong anh, có hai tố chất thâm căn cố đế, ấy là ý chí của người lính trận và sự duy mĩ duy tình dư dật! Trở về trường đại học sau năm năm lăn lóc ngoài chiến trường, kiến thức rơi vãi theo bom đạn, mọi cái phải làm lại từ đầu, anh dành thời gian tự học gấp đôi gấp ba các sinh viên khác. Hễ có giờ nghỉ, ngày nghỉ, là anh phóc lên thư viện, vào phòng thí nghiệm. Bộ đồ lính phai bạc trên người Đặng như một chứng chỉ trung thực khiến cho những người phụ trách rất cảm nể. Họ ngầm giúp đỡ, hướng dẫn anh những tài liệu sát thực. Và danh hiệu sinh viên ưu tú là món quà vô giá cho ý chí, nghị lực của anh. Những ngày hè, anh dồn hết thời gian cho mảnh vườn nhà. Ở đó, anh áp dụng các kĩ thuật lai ghép tiên tiến vào các giống cây ăn trái, rau củ quả, vào chăn nuôi gà lợn. Sổ tay ghi chép dày đặc những thất bại và thành công. Anh mang thói quen đó khi ra công tác. Ông bố Hoài mê anh như mê nhân tình. Ông tự hào dưới trướng có một kĩ sư canh nông tài giỏi. Đôi khi, ông đứng hàng giờ ngắm mảnh vườn đồi, trước sân cơ quan sơ tán, nơi Đặng trồng những luống cải, cà chua, bầu bí... trái lúc lỉu trên cây, trái lăn lóc mặt đất. Hàng ngày, Đặng không nghỉ trưa, đi nhặt phân bò rơi vãi trên các bãi chăn dắt gia súc về ủ, gánh nước dưới khe lên tưới. Anh là một mẫu đàn ông hiếm có. Ông bí mật om cô con gái rượu xinh đẹp nức tiếng của mình cho Đặng.

Hết giờ hành chính, Đặng luôn tay luôn chân ngoài vườn. Không mơ mòng mấy em trẻ trung trong cơ quan. Ai cũng lắc đầu ái ngại thương một đấng nam nhi trái tim khô cằn. Nhưng không ai biết trong túi áo ngực anh luôn nâng niu chân dung hai thiếu nữ xinh đẹp. Một, người đã cũ, anh coi là mối tình đầu. Một là Hoài, con gái giám đốc của mình.

Với thiếu nữ đầu tiên, khi học đại học năm thứ ba, Đặng ở cùng phòng với một cậu sinh viên trẻ măng. Một hôm, cậu ta thập thò tấm ảnh một người đẹp. “Ảnh ai rứa?”. Đặng sấn đến, ghé mắt. “Chị Liêm. Chị ruột em đó”. Cậu ta nói, chìa tấm ảnh cho Đặng. Anh chợt run lên. Trái tim đau nhói. Ngực tức thở. Một cái gì rần rật chạy buốt sống lưng. Trong ảnh, nữ quân nhân trẻ măng. Mọi nét thon gọn, đài các. Khuôn mặt trái xoan thùy mị. Ánh nhìn tỏa rạng nét thông minh. Đôi mắt đen láy, tinh nghịch và mơ mộng. Đường ngôi rẽ mái tóc dày như mây thành hai bím vắt trước ngực. Cái cổ cao thon tròn ba ngấn. Bờ vai đầy. Vừng ngực mẩy. Chỉ chừng ấy dáng nét, đủ cho Đặng chết đứng, mường tượng một giai nhân tuyệt sắc. Anh hình dung trong bộ quân phục vừa bó sát, mờ tỏ những đường cong chết người!

Hôm sau, Đặng khoác ba lô hướng ra biên giới phía Bắc. Hành trang như ngày xưa ra trận, chỉ khác là, túi ngực có thêm bức ảnh Liêm. Vượt một ngàn hai trăm cây số đường trường để tìm người đẹp trong ảnh, chỉ có mỗi anh. Sau chiến tranh chống Mĩ, đường sá, xe cộ còn rất khó khăn, đoạn nhờ được xe, đoạn phải đi bộ. Đường lên các tỉnh phía Bắc, không khác đường vượt Trường Sơn ra trận năm xưa, chỉ thiếu máy bay bỏ bom trên đầu.

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Anh tìm đến được khu vực đơn vị đóng quân của Liêm, thì người yêu trong ảnh của anh đã ra đi. Tuần trước, bất ngờ giặc tấn công qua biên giới trong đêm. Liêm là y sĩ của đại đội, đang băng bó vết thương cho bộ đội ngay trong trận chiến thì một quả đạn pháo địch bất thần nổ gần. Mảnh đạn găm trúng ngực, máu ra đầm đìa, cô vẫn tiếp tục cứu chữa thương binh, cho đến khi ngã xuống...

Người ta dẫn Đặng ra nghĩa trang, nơi có ngôi mộ của Liêm, đất còn tươi rói. Đặng đã lặng khóc trong hoàng hôn đỏ ối chân trời. Người đã khuất, chưa một lần gặp mặt, nhưng lại ở trong anh suốt một đời.

Tất cả những cô gái Đặng gặp sau này, kể cả nữ sinh viên mấy khóa sát đó, đều không lọt mắt xanh của anh. Mãi sau này mới gặp Hoài, qua bức ảnh ông bố nàng giới thiệu. Trái tim Đặng lại bị nhói buốt. Hụt hơi. Choáng váng...

Của đáng tội, lần thứ hai Đặng khoác ba lô đi tìm người trong ảnh. Lần này vào hướng Nam. Một chị trong bộ phận hành chính của khoa, vô tình để lộ tấm ảnh cô em gái út đang học một trường trung cấp y. Xinh đẹp và ngây thơ quá đỗi, có nét hao hao Liêm của anh đã mất. Đường vào Nam xe tàu thuận hơn. Đặng không mấy khó khăn để tìm được phòng nội trú của cô nàng trường y. Và anh đã thất vọng tràn trề. Anh ngỡ ngàng với sắc đẹp của cô nàng khi đi trên sân bao nhiêu, thì thất vọng ê chề khi tiếp xúc bấy nhiêu. Đến nỗi, anh phải tế nhị xin phép đi có việc, rồi không trở lại nữa. Chẳng có sự ăn nhập nào giữa vẻ đẹp sắc sảo với cái giọng khàn khàn vịt đực, tiếng cười hô hố, khùng khục âm thanh chợ búa, không thể chịu được của cô nàng. Bữa cơm anh mời ở quán, thành nỗi xấu hổ không quên được. Cô nàng vừa chan vừa húp sì soạt, nói cười oang oang như chốn không người. Anh thẹn chín mặt, kín đáo liếc qua những bàn bên cạnh, ngầm xin lỗi.

Bố Hoài lên chức giám đốc sở, cả gia đình chuyển vào Huế, thủ phủ của tỉnh lớn mới nhập. Hoài được bố trí dạy một trường ngoại ô kinh thành xưa. Đặng ở lại cơ quan cũ, huyện quê. Bố Hoài vẫn âm thầm làm tay trong đắc lực cho Đặng. Nhưng trái tim con gái ông chưa bao giờ có bóng hình anh. Thậm chí, hai người chưa một lần gặp mặt. Thư cũng chỉ chạy theo một chiều, từ nơi Đặng sang chỗ Hoài, tuyệt không ngược lại. Và những bức thư ấy, chưa một lần được mở. Chúng bị coi gửi nhầm địa chỉ. Hoài ném vào cái thùng đựng giấy loại lưu cữu, hoặc nhét vào đâu đó trong giá sách dày đặc.

Hai người bây giờ xa nhau mấy trăm cây số.

Với Đặng, không hề gì! Trái tim anh vẫn tươi rói cảm xúc ban đầu khi thấy Hoài trong bức ảnh bố nàng trao. Và bập bùng trong anh hình ảnh hoang dã của nàng trên sân khấu. Ngọn lửa cháy mãi. Sau mỗi bức thư chia sẻ gửi đi, tình yêu của anh ngày một nồng nàn. Anh cảm giác, ngày nào cũng được nắm tay Hoài, sóng bước dọc triền đê, trên bờ sông vắng, trên cánh đồng cỏ hoa. Đôi khi, anh ngọt ngào mỉm cười một mình tận hưởng niềm hạnh phúc tột đỉnh ấy. Vài tháng một lần, anh báo cáo cơ quan, xin nghỉ ngày thứ bảy, kết hợp chủ nhật, đi thăm người yêu.

Hoài không biết, có một người đàn ông dựng chiếc xe đạp cuốc, thập thò nhìn mình qua hàng rào sân trường. Nàng bấn bíu với chương trình văn nghệ lớp, và lịch trình hò hẹn người yêu. Hoài ngày càng đẹp. Từ khi trái tim nàng chết lịm, mê mệt với anh chàng Phức, giáo viên dạy hóa lưu dung, vẻ đẹp nàng trở nên chín mọng, tươi rói, thơm tho lạ thường!

Với Đặng, thế là quá đủ. Anh nhìn Hoài say mê qua khe hở hàng rào trường, tận ngắm vẻ đẹp trời cho của Hoài, đồng nghĩa trời cho anh. Một cách thỏa mãn! Lòng trở nên rộng rãi và khoáng đạt. Rồi lên xe trở về, vượt hàng trăm cây số, kịp làm việc sáng hôm sau.

Đất nước thống nhất, trái tim rộng mở, ai so bì chi giáo viên cách mạng, với giáo viên lưu dung? Mà anh chàng Phức dạy hóa, gương mặt dễ ưa và mái tóc xoăn tự nhiên. Bàn tay với những ngón dài của Phức, cầm lấy cây đàn rung lên những bản nhạc buốt nhức trái tim. Đôi mắt sau làn kính trắng mơ màng... Hoài làm sao mà không mê muội được. Căn phòng đợi giờ lên lớp của giáo viên, vô tình thành nơi hò hẹn tự nhiên của hai người. Những ngày nghỉ, hết đồi thông Thiên An, đến bãi tắm Lăng Cô. Hết leo rừng Bạch Mã, lại đi thuyền trên phá Tam Giang... Trái tim vốn hoang dại của Hoài, được yêu chiều, thỏa mãn.

Đột nhiên, cả trường dậy sóng. Trong căn phòng đợi giờ lên lớp, mọi người trố mắt nhìn ra khi ngoài sân, dưới cơn mưa tầm tã, một thiếu phụ cùng ba con nhỏ sàn sàn quỳ trên bùn nhão. Lặng im, không chớp mắt. Mưa chảy thành dòng trên từng khuôn mặt. Nom như một cụm tượng có từ vạn cổ.

Chuyện vợ Phức đem ba con nhỏ đến trường tìm chồng khiến bố Hoài đau đớn. Ông hiểu, hành động của vợ Phức và mấy đứa con, là nhắm vào cô con gái cưng của ông. Và ông biết phải làm gì. Ngay tắp lự, Hoài nhận được quyết định thuyên chuyển công tác. Nơi đến là một trường học, ngoại ô thành phố Sài Gòn xa hơn ngàn cây số.

Đặng nhận được địa chỉ mới của Hoài qua bố nàng thông báo. Anh ngẩn tò te một lúc. Có chút dỗi hờn vô cớ. Hôm sau thức giấc, anh chậc lưỡi, đó chỉ là một tai nạn. Tai nạn có đầy trong cuộc sống. Anh thấy yêu thương nàng nhiều hơn, có trách nhiệm nhiều hơn. Muốn mình là cột trụ vững chắc, tựa đỡ cho cuộc đời người con gái giữa phong ba. Người đẹp nào trên đời chẳng vậy?

Những bức thư tiếp tục gửi cho Hoài, anh viết từ gan ruột. Chân thành lời chia sẻ hết mực. Anh mường tượng nét mặt của nàng khi đọc những dòng thư, thổn thức tựa bông hồng buổi sớm. Lệ đẫm mi. Nước mắt lăn qua đôi má chín bừng...

Trên bàn làm việc, bức ảnh Hoài trong khung kính, luôn mỉm cười dịu dàng với anh. Bốn mắt họ chạm nhau hàng ngày. Trìu mến. Đặng đắm đuối mỗi đường nét trên khuôn hình thiếu nữ. Những lúc khó khăn, nản chí, nhìn vào tấm ảnh, cuộc đời lại nhẹ nhàng như không. Tuồng như, chân dung Hoài đủ năng lượng cho anh đi suốt cuộc đời khó nhọc của mình.

Nhiều gái trẻ cơ quan thấy anh sống cô độc cũng muốn ghé vai chung gánh. Họ tìm đến phòng ở của anh lân la chuyện trước sau. Nhưng anh hình như không hay biết. Cứ mau miệng, Lan này, Huệ này, Nhung này, người yêu anh đây! Anh chìa bức ảnh Hoài, kiêu hãnh. Có xinh không? Tất nhiên là xinh rồi. Ai mà bì được người đẹp trong ảnh. Và thế là lần lượt, hết Lan, Huệ, đến Nhung, lặng lẽ chào anh đi lấy chồng.

Chỉ còn anh với thiếu nữ trong ảnh. Không gì lay chuyển. Thủy chung hò hẹn, đợi chờ...

Hoài ra đi như sẵn sàng chấp nhận thử thách của tình yêu. Không hề hấn gì! Trái tim cô vẫn dành cho người trong mộng. Trên bàn làm việc, bức ảnh Phức phóng to mỉm cười dịu dàng với Hoài. Đêm đêm, tiếng đàn guitar của Phức từ chiếc đĩa mang theo bập bùng những giai điệu hoang dã đánh thức trái tim hoang dã của nàng. Một mình trong căn phòng kín, Hoài lột bỏ tất thảy, đi những vũ điệu hoang dại thuở chỉ có hai người rồi lên giường trùm chăn, mường tượng nụ hôn đẫm mướt. Da thịt rân ran...

Nhan sắc lồ lộ, tươi ngời, vẻ đẹp trời cho không giấu được, không có Phức, Hoài chẳng muốn khoe. Nhưng thời tiết xứ này không có mùa lạnh, Hoài phải mặc đồ mỏng. Đồ mỏng bất lực trước nhiệm vụ che đậy cơ thể Hoài. Những con mắt đàn bà lườm nguýt kín đáo. Những con mắt đàn ông thèm thuồng ngẩn ngơ. Phòng đợi giáo viên trở nên sôi nổi từ khi có Hoài. Cánh đàn ông, như những con gà trống ban mai. Giày da bóng lộn. Áo sơ mi cổ cồn. Mày râu trơn lứt. Tóc mượt chải gôm. Nói năng hoạt bát. Đôi khi còn đọc cả thơ. Cánh đàn bà chải chuốt thầm lặng. Váy vúng là lượt. Môi son má phấn. Lông mày xăm tỉa. Lông nheo giả lấp láy. Rổn rảng nói cười. “Em mới vô, há? Có khó khăn chi, nói chị giúp, nghen?”. “Chị mới vô à? Có trở ngại chi, em giúp một tay, hỉ?”. Hoài bối rối, dạ dạ, vâng vâng...

Hai giới có hai mục đích thầm kín rõ rệt. Cánh đàn bà cố công giữ chồng, giữ người yêu trước con quỷ mang dáng tiên này. Cánh đàn ông tỏ ra có trách nhiệm với người mới. Họ bỏ tiền thuê thợ tân trang căn phòng ở cho Hoài. Tiện nghi, thơm tho như khách sạn.

Lối vào nơi ở của Hoài mòn đường chết cỏ. Căn phòng rộn rã tiếng đàn ông nói cười. Giá sách, bàn làm việc, nơi trang điểm của Hoài khá tươm tất. Trong khi rót chén rượu mời cánh giáo viên nam thay lời cám ơn, Hoài làm như vô tình lấy khăn lau bụi tấm ảnh lồng khung kính trên bàn. Động tác cẩn thận và ánh nhìn âu yếm. Một tiếng hỏi bật lên, không tự chủ. “Ai đấy, hả em?”. “Dạ, người thương em đấy...”.

Đường vào nơi ở cô giáo Hoài, cỏ lại mọc. Phòng riêng của cô dần im ắng. Không còn nghe tiếng đàn ông. Chỉ còn hai người say nhau, nhìn nhau đắm đuối. Chỉ còn những kí ức ngọt ngào về đồi thông Thiên An, về rừng hoang Bạch Mã, về bãi biển Lăng Cô... Tiếng đàn guitar bập bùng. Và trái tim thiếu nữ trong người đàn bà, thổn thức bập bùng. Giai điệu hoang dã mỏi mòn...

Mặc cho ngoài đời, năm tháng vội vã đi qua. Mưa ngàn gió biển đi qua. Mặc cho những bức thư anh chàng Đặng nào đó gửi sai địa chỉ vẫn đến mỗi tuần, mươi ngày làm đầy lên thùng giấy loại của Hoài. Tất cả vẫn trượt đi ngoài không gian sống hạnh phúc của Hoài.

Gần ba mươi năm nhẹ như gió mây, ông Đặng vẫn thầm lặng, đơn phương, say mê theo mỗi bước chân của Hoài. Thiếu nữ vẫn cười dịu dàng với ông mỗi ngày. Vẫn chia sẻ với ông những buồn vui hạnh phúc mỗi ngày. Dù bố nàng, sợi dây kết nối duy nhất hai người, đã mất. Nhưng không hề gì. Ông tin, nàng vẫn đọc thư ông mỗi tuần, nghiện thư ông mỗi tuần. Hiểu được trái tim đợi chờ nồng nàn của ông mỗi tuần. Và mỗi tuần, ông chờ đợi câu trả lời của Hoài. Kiên nhẫn. Như đã từng đợi chờ gần ba mươi năm nay...

Mưa, đá núi cũng phải mòn, huống chi trái tim thiếu nữ ngày nào cũng được ướp lời cầu hôn chân thành và gan ruột của một đấng nam nhi tài giỏi suốt gần ba mươi năm. Hỏi, có ai yêu em được như anh không? Ông Đặng khẽ vuốt cái cằm nhẵn thín, nơi bộ râu thưa, bạc lốm đốm đã cạo sáng nay khẽ mỉm cười một mình. Phải, đấng cao xanh cảm kích trước tình yêu không bờ không bến đã động lòng trắc ẩn và ban cho ông đặc ân. Một đặc ân vô giá. Giá trị cả một đời người chờ đợi: “Em đón anh ở sân ga...”.

Bây giờ, đã có điện thoại di động. Ông có thể gọi, nói chuyện với Hoài cả tiếng đồng hồ. Nhưng ông thấy cần phải nén giữ. Rất thú vị, rất hồi hộp. Như món hàng đợi giờ bóc tem, gần ba mươi năm còn nén được, huống chi vài ngày. Có lẽ Hoài cũng thế. Không gọi. Chỉ nhắn đi một cái tin... Ôi, cái tin có sức mạnh kì diệu, đánh thức tất cả. Đánh thức trai tráng. Đánh thức hẹn hò. Đánh thức niềm đôi lứa. Đánh thức giá trị của đợi chờ. Cuộc đợi chờ gần suốt một đời người...

Hoài đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can khi dịu dàng, lúc thịnh nộ như sấm nổ của bố. Thời gian vô tình trôi qua tuổi ba mươi. Tuổi bốn mươi. Tuổi năm mươi. Suốt ba mươi lăm năm đi qua, Hoài vẫn trơ như đá. Bỗng nhiên, một ngày, lời ông nhẹ như mây. Đấy là khắc lâm chung. Nàng chợt tỉnh, cuống quýt thét lên. “Bố! Bố ơi! Con xin lỗi bố! Con bất hiếu!”.

Ba mươi lăm năm là mấy trăm bức thư? Rất nhiều bức đã bị Hoài cho đi theo rác. Một số lẫn trong kệ sách. Hoài đọc số còn lại trong nước mắt chan hòa và trái tim thổn thức, ngậm ngùi. Hóa ra, có một người đàn ông yêu mình tha thiết đến thế này ư? Gần ba mươi năm, Hoài đuổi theo cái bóng tình yêu. Trò đuổi bắt vô vọng. Bỏ mất cái thực khô khát. Trong hàng trăm phong thư còn lại ấy, có một phong kèm ảnh. Chân dung một người lính. Áo màu cỏ. Gương mặt điển trai, phúc hậu. Mái tóc dày, rẽ ngôi bên trái. Ánh nhìn trung thực, khoan hòa, đối lập hoàn toàn với Phức lãng mạn, phong tình.

Không biết, giờ đây Hoài đã ngộ ra điều gì?

Nàng thay bức ảnh Phức lồng kính trên bàn bằng bức ảnh Đặng.

Và rụt rè, nhắn đi một cái tin.

Cả hai đều bổi hổi. Cuộc hẹn hò lần thứ nhất trong đời, với Đặng thì đã đành, với Hoài cũng không khác. Ngày xưa, Phức ở ngay bên cạnh. Ngày nào cũng gặp nhau, chỉ một cái nháy mắt là hiểu tất cả: Gặp nhau ở đâu, mấy giờ, đi đâu. Giờ, Đặng xa ngàn cây số, một đời chưa biết mặt. Không hồi hộp sao được?

Hoài như người bao năm bay trên không trung, giờ trở về mặt đất. Một mặt đất gần gụi, nở vàng hoa bầu hoa bí. Lại như người tỉnh ngủ, sau một giấc mơ dài, tinh khôi trong từng ý nghĩ. Có phải lời trăng trối phút lâm chung của bố qua điện thoại khiến nàng nhận ra bổn phận? Hay cái tin Phức bị tai biến mạch máu não qua đời, đã đánh rụng ảo ảnh bao năm? Lần đầu tiên, nàng thẹn thùng hôn lên tấm ảnh chàng trai mặc áo lính. Em xin lỗi anh! Xin lỗi tình yêu xa ngái...

Nàng hồi hộp chuẩn bị cho ngày gặp mặt. Tân trang lại căn phòng. Mọi cái đều sắm đôi. Bàn ăn hai bát, hai thìa, hai đũa. Buồng tắm hai khăn mặt, hai bàn chải đánh răng. Buồng ngủ là chiếc gối đôi thoảng thơm mùi nước hoa. Bỏ qua mọi nghi thức, nàng chấp nhận tất. Không đắn đo. Những bức thư nồng nàn của Đặng trong suốt ba mươi năm qua, cho phép nàng thầm gọi anh là chồng. Cuộc đón tiếp ngày mai trên sân ga, là vợ đi đón chồng. Chồng Hoài công tác xa mấy năm trở về. Hoài hình dung người đàn ông cô đón trên sân ga, sơ mi kẻ sọc cộc tay, giày đen mũ phớt, tay xách va li đen bóng, khoan thai sải những bước chân trai tráng. Sân ga ngập nắng. Vừa trông thấy nhau, cả hai cùng lao đến. Như một ngọn gió, ngọn gió hạnh phúc, thổi suốt miền đợi chờ gần ba mươi năm. Mặc chiếc va li quý giá dưới chân, anh bế bổng nàng lên. Đôi môi họ tìm nhau nồng nàn. Cánh tay nàng chung chiêng chiếc dù hoa mỏng tang trên đầu. Cả hai ngộp thở trong bầu trời hoa lung liêng ấy...

Ngày hẹn đến. Bóc tờ lịch mà bàn tay Hoài run rẩy, mãi mới gỡ được nó xuống. Hoài nhìn đi nhìn lại tờ lịch như thể đó là ngày cô kết hôn. Tâm trạng bồn chồn. Trái tim thiếu nữ trong ngực người đàn bà luống tuổi đập rộn ràng. Ngây ngốt! Thử đi thử lại mãi, cuối cùng, Hoài chọn bộ váy mỏng, màu ngà sậm, điểm những bông hoa kim tuyến nhỏ li ti. Chiếc váy giúp Hoài nhẹ nhõm, đủ bó sát để tôn dáng vóc dù có vợi bớt, vẫn thon tròn. Đủ sáng tôn làn da trắng. Đủ trang nhã để không lòe loẹt. Đôi giày cao gót cũng màu ngà. Chiếc ô hoa cầm tay cũng màu ngà nốt.

Hoài soi lại gương trước khi bước ra đường. Chiếc gương luôn chiều ý Hoài. Nó đã đi theo suốt cuộc đời Hoài. Phần thủy ngân tráng phía sau đáy gương kịp mòn dần theo ngày tháng khiến mặt gương mờ mờ, huyền ảo đủ không lộ những nếp nhăn mờ chân chim. Đủ không thấy da mặt hết mịn màng. Đủ không rõ những lọn tóc màu muối tiêu mờ tỏ. Hoài luôn vừa ý với mình trong gương. Hoài lấy vẻ đỏng đảnh vốn có trong mỗi bước đi...

Ông Đặng hết đứng lại ngồi. Thắc thỏm. Con tàu càng gần vào ga, ông càng sốt ruột. Khi nó giảm tốc độ, chạy là là vào, ông kín đáo soi lại mặt mình trong gương. Cũng là chiếc gương cũ bao năm. Cũng chiều ông hết mực bằng cách không cho ông biết cái tuổi sáu mươi đã đi qua, không cho ông nhìn được hai bọng mắt võng xuống và cái cổ đùn lên những lớp da nhõng nhẽo. Ông hài lòng khoác ba lô lên vai...

Mọi cái đúng như Hoài mường tượng. Sân ga ngập nắng. Tiếng còi tàu vang xa, giục giã. Người đi xao xuyến. Như ong vỡ tổ, từ trên tàu tuôn xuống, từ sân ga, từng luồng người chảy ngược lên tàu. Tấp nập. Hoài giương cao chiếc ô, đứng ở cửa, bên cạnh dòng người rời ga. Căng mắt nhìn từng người lỉnh kỉnh đồ đạc. Lâu lâu đưa bàn tay lên che nắng để nhận mặt. Dòng người vô tư bước ra cửa lớp này sang lớp khác. Hoài kiên nhẫn và hồi hộp ngóng chờ.

Ông Đặng cũng căng mắt giữa biển người. Dõi theo từng dáng nét phụ nữ. Ông đứng nguyên một chỗ, nén cơn hồi hộp dâng trào. Đó là một kinh nghiệm. Nếu cứ lao đi tìm nhau giữa đám đông, rất dễ bị mất hút.

Hoài cũng khôn chán. Bà cứ giữ cửa ra như giữ cửa nước. Thế nào, mọi người cũng đi qua đây. Không thể lọt đi đâu được.

Nhưng sân ga vãn dần rồi trống vắng. Bà vẫn không thấy đâu người đàn ông trai tráng cần tìm. Áo sơ mi kẻ sọc cộc tay. Quần tím than thẳng nếp. Giày đen mũ phớt. Tay xách va li. Không thấy! Chỉ có đằng kia, cuối sân, một cựu binh già. Bộ đồ màu cỏ nhàu nhĩ. Chiếc mũ cối trầy tróc lớp sơn. Chiếc ba lô phai bạc... Hẳn ông đang đợi con cháu đến đưa đi. Người đàn ông của Hoài chắc đang ở trên tàu, có lẽ còn kẹt chuyện gì đó.

Bà quyết định đi về hướng đó.

Ông Đặng như sực tỉnh. Sân ga trống trơ. Người con gái đi đón ông vẫn chưa thấy. Chỉ phía xa, cạnh lối đi, một phụ nữ luống tuổi đang đứng. Tất cả đã vào thu. Một dáng hình đã qua thì tuổi trẻ rực rỡ, nghĩa là đã qua những ngày hạ nồng nàn, đang bước bên kia dốc cuộc đời. Những lọn tóc màu hoa râm uốn sấy gọn gàng. Cả chiếc ô che đầu cũng vậy, như một vầng mây thu bảng lảng...

Có thể, Hoài của ông không đến kịp. Có thể vì tắc đường. Giờ đang hối hả bên kia lối vào. Khổ thân Hoài!

Ông quyết định đi về hướng đó.

Hai người chậm rãi, lặng bước qua nhau. Ngay giữa sân ga ngập nắng. Không thể nói là họ không nhìn nhau. Hoài thấy người cựu binh già đi đôi dép cao su bước thấp bước cao. Đôi vai nghiêng lệch. Mái tóc bạc giấu gọn trong chiếc mũ cối. Ông Đặng nhìn người đàn bà đã luống tuổi vẫn cố lấy dáng điệu đàng vừa đi qua, khẽ nhếch mép...

Hai người lướt qua nhau. Thản nhiên. Không vội vã. Cũng không chùng chình. Người đàn bà giương cao chiếc ô, mắt hướng về các toa tàu đang đậu, chân đỏng đảnh từng bước đi không còn xuân. Người đàn ông bước tập tễnh, mắt hướng theo các ngả đường, nơi Hoài của ông hớt hải đến muộn. Trong đầu cả hai người, đều nghĩ về người kia của mình, với sự trẻ tráng, thanh xuân. Và mái tóc còn xanh...

Họ đã quên rằng, thời gian xuẩn ngốc! Như họ đã quên viết tên người cần tìm lên bảng, đeo trước ngực

Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/toc-xanh-may-mua_8614.html

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 71290