1.
Trên
mỗi cái phao câu bất luận màu gì đang nhô lên trên nước chót nhọn hồi
hộp chờ, những con chuồn chuồn kim luôn ưa thích đậu vào. Chúng ưa
chuyện giật mình khi những con cá dại khờ xem cái phao nửa nổi nửa chìm
kia là sở hữu của mặt nước. Và đương nhiên, cái phao bỗng lút xuống,
cánh chuồn mỏng mảnh lấp lóa nắng bừng thức bay lên, tinh tế. Chẳng có
mối liên hệ nào từ chuyện con cá, cái phao và cánh chuồn, nó chỉ lặp đi
lặp lại thật đơn điệu, cả cái đốm nắng lấp lóa trên cánh chuồn cũng đã
nghìn vạn năm chớp sáng vô thanh như ý nghĩ.
Thực
ra lão cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Câu cá, trừ câu ngầm, ai chẳng ngó cái
phao. Nhiều kẻ bảo đi câu chỉ để thưởng thức gió đồng, gió sông, gió
biển. Có cá hay không cũng chẳng sao. Xạo. Lão biết đó chỉ là kẻ không
biết câu. Hay làm ra vẻ câu Khương Tử Nha, ngồi câu mà nghĩ vận nước chứ
dây câu không có lưỡi. Chuyện già Khương mấy ngàn năm trước lão không
bàn chứ bọn câu bây giờ nói chẳng cần cá là xạo. Vì sao? Vì muốn câu
được cá cũng phải biết nghề: con cá ăn tầng ngầm câu mồi gì, cá ăn tầng
nổi mồi gì, khi nào sử dụng phao, khi nào không. Rồi câu cắm, câu giăng,
câu đài, câu rường… Rồi mồi trứng kiến, mồi tôm, mồi trùn, mồi quệt…
Trời à, câu không chỉ nghề, mà còn là nghệ thuật nữa. Cả cách câu thế
nào là câu vương đạo, thế nào là bá đạo… Biết vậy mà đâu dễ. Có câu
“chim chết vì ná, cá chết vì nước”. Cá ăn có thời khắc. Ví dụ câu cá
chẻm, cá hồng bằng mồi xịn là cua bấy, xìa mồi trước miệng nó cũng không
ăn. Nhưng nước bắt đầu lên hoặc bắt đầu chảy, trăng rựng rựng mọc hay
trăng chen núi lặn, là nó ăn, ăn điên ăn khùng, chết cũng ăn. Nên suốt
đêm chỉ có thời khắc đó là thắng, không uổng công.
Đấy,
cũng như giờ già yếu rồi, lão không đi câu xa nơi biển, hồ, cá to cá
ngon gì. Sáng sáng, lão cùng vợ ngồi câu bên hồ nước nhỏ có đường lộ
chạy qua, cách mái tranh vợ chồng lão mươi phút đi bộ. Chỉ câu mấy con
cá nhép rô phi, mại dán… Bọn này dễ lắm, làm gói thính thiệt thơm, thỉnh
thoảng vãi một dúm là bầy cá nhao lại. Bọn cá trắng, mại dán láu táu
trên mặt. Bọn rô, phi ăn tầng lửng, tha hồ giật, cần nọ tới cần kia. À,
lão câu nhiều cần, cứ gác lên mấy nhánh cây, ngó phao rồi giật. Có lúc
đang gỡ cá, vợ lão giật thế, trật lất, lão nhăn nhó, đúng đàn bà chẳng
ra gì. Vợ lão cũng không tự ái, cười hì hì.
Chỗ
vợ chồng lão ngồi câu là cái bến nước ở một quán cà phê bình dân. Bọn
thợ hồ sáng sáng tới uống li đen rẻ tiền rồi đi làm. Rẻ vì cà phê pha
bột cau chát ngắt. Bọn khác vô công rồi nghề tới uống, đánh cờ tướng,
kêu một li ngồi suốt buổi. Cũng có mấy nhỏ trai gái tới chọn bàn yên
tĩnh ngồi thủ thỉ yêu đương. Cũng có đám công nhân công ti bên kia hồ
nước. Cũng có mấy giảng viên, sinh viên trường đại học góc đối diện quốc
lộ. Rồi đám xe tải đổ đất tưng bừng trên đồng ruộng quy hoạch khu dân
cư. Người đẻ chứ đất có đẻ đâu, phố xá thị thành chật chội.
Để chủ quán không phiền, sáng câu nào vợ chồng lão cũng kêu một li cà phê sữa, uống chung.
Bọn
trai trẻ quán cà phê thỉnh thoảng lại coi lão câu gì. Bô lô ba la, vợ
lão lạnh nhạt trả lời dấm dẳng. Tức là bất hợp tác. Riết rồi bọn nó cũng
để yên cho vợ chồng lão. Chỉ bọn bạn trai, bạn gái sinh viên gì đó cứ
lặng lẽ quan sát từ xa. Chúng ngạc nhiên lắm. Không phải cá gì, câu được
nhiều hay ít. Mà cái cách của vợ chồng già, thấy là lạ.
Không
lạ sao được. Bà lão trạc ngoài bảy mươi vẫn vóc dáng đẹp, mặt hẳn rất
xinh thời xuân sắc, bữa mặc bộ đồ bộ cũ kĩ vẫn sạch sẽ tinh tươm, bữa
mặc áo pull rộng cổ trễ hẳn xuống cái ngực lép kẹp. Chắc là mấy áo quần
này đã dùng cả chục năm, giữ gìn, giờ vẫn phẳng phiu… Ông lão quần đùi,
áo may ô, để lộ vóc người khỏe mạnh, vâm váp, dạng chân ngồi trên khúc
gỗ buông cần, miệng phì phèo thuốc lá. Thỉnh thoảng bà cầm li cà phê ghé
vào miệng lão, vừa đủ một ngụm nhỏ rồi ngắt kịp lúc. Thêm li trà đá
ngắt một hớp to to. Bao giờ sau mỗi ngụm, bà cũng cầm muỗng nhỏ để khuấy
đường trong li rồi mút một miếng. Mười lần như chục, đến hết li, hết
buổi câu. Mà thực ra đâu phải lão không rảnh tay cầm li. Lão chấp nhận
sự chăm sóc, hài lòng, và hạnh phúc được chăm sóc. Còn cái cách bà vợ
mút muỗng nhỏ cũng như chút chia sẻ hương vị cà phê với chồng. Nhất là
cái cách người bà dính riết vào người lão mới ấn tượng. Sau mỗi lần bón
cà phê bón trà đá cho chồng, bà ôm riết lấy lão, bằng tay, bằng thân.
Bọn trẻ mất dạy quan sát, có lúc nói to: “dính như sam”. Mặc xác chúng
bay, tao nghe cả, bay thích nói sao cũng được, đừng lại quấy rầy không
gian riêng của vợ chồng tao là được.
Từ
ngày về sau chiến tranh, lão câu cá cùng người vợ già chưa kịp đẻ một
đứa con. Chẳng sao, vợ chồng già chăm nhau, ông chăm bà, bà chăm ông.
Đời còn sống, còn gặp, dựa dật tới giờ đã là may.
Sáng
nào, mưa hay nắng vợ chồng già vẫn ngồi câu bên hồ nước. Mưa thêm cái
dù mượn của quán. Là câu. Càng sít sát nhau cho khỏi ướt.
Thôi kệ mọi thứ.
2.
Cái
hồ là một vũng lở nước đồng trên mùa lụt tràn xuống đồng dưới rồi rút
về biển. Người Pháp khi làm con đường này đã nghiên cứu kĩ nên làm cầu,
cái vũng lở đã có từ thời đó, giờ nước tập trung rút qua cầu nên hồ nước
luôn giữ độ sâu. Là nói những năm lụt lớn thêm chuyện xả lũ vô tội vạ.
Chứ giờ thì ngay cánh đồng trên bên kia đường lộ, người ta đã đổ đất xây
dựng một trường đại học.
Trường
đại học tư, thời trường tư nở rộ, nhà nhà người người làm giáo dục,
cung không theo kịp cầu, thời bằng cấp để được đề bạt, trường tư trường
công tha hồ tuyển sinh, tha hồ đào tạo, ai cứ vào, cứ ra trường rồi làm
gì hay bổ sung hồ sơ gì kệ ai.
Là
nói chung vậy chứ trường này tính toán đầu tư kĩ lắm. Vị tiến sĩ hiệu
trưởng trường đại học lớn trong tỉnh về hưu, liên minh với mấy vị giáo
dục và quan chức mở trường. Có chiêu tuyển sinh rất hay, rằng trường này
bao tiêu đầu ra, tỉnh cắt đặt việc làm, không sợ thất nghiệp. Thông báo
đâu đó hẳn hoi chứ không phải nói miệng. Vậy là hồ sơ nộp vào trường
tới tấp. Tưng bừng mấy năm, đến mẻ ra lò đầu tiên. Ơ hơ, làm gì có
chuyện tỉnh lo việc, cứ nộp hồ sơ, tuyển không được là có đúng ngàn lẻ
một lí do, trách ai, ai trách? Như một cuộc lừa trắng trợn. Kiện ai, ai
kiện bây giờ, vì biết kiện củ khoai. Dù vẫn giữ cái thông báo lúc tuyển
sinh.
Hết
ông giáo sư tiến sĩ này làm hiệu trưởng đến bà giáo sĩ tiến sư kia thay
thế, rốt cuộc trường vẫn không thể vực lên được. Vì căn bản, đầu vào
lấy vớt đám rớt đại học khắp nơi về tá túc là chính, đâu có trò giỏi.
Trường ngoi ngóp sống nhờ đám trò con ông cháu cha. Chỉ cần cái bằng,
con thường dân không xin được việc thì con cán bộ đã sắp sẵn một việc
ngon lành. Ngành gì cũng đào tạo, tha hồ học, tha hồ hành. Trái ngành
cũng chẳng sao, chỉ cần cái cử nhân quy định. Trong tỉnh, rồi nhiều tỉnh
ngoài, con cán bộ khắp năm thành mười tỉnh về học. Vẫn lay lắt, lay
lắt. Ai cũng biết đầu ra thế nào. Trường mùa tuyển sinh mà vắng như chùa
Bà Đanh.
À,
trường mang tên một anh hùng dân tộc, một hoàng đế lẫy lừng trong tỉnh.
Cái tượng vị hoàng đế cưỡi ngựa phi nước đại đánh đuổi giặc ngoại xâm
trong chiến thắng thần tốc kẻ thù truyền kiếp, thành phố ăn nên làm ra
xây mới cho hoành tráng. Tượng cũ đẹp nhai nhái tượng Pi-ốt Đại đế bên
Nga giờ trường xin thỉnh về dát nhũ đồng, vàng chóe trước sân. Phía
trước đặt cái lư đồng to đùng, trước mỗi mùa khai giảng, trường cúng con
heo, ban bệ sì sụp hương khói. Có gã nào đó góp ý phong thủy, rằng cổng
chính hướng ra hồ nước có cầu ầm ầm xe cộ là hỏng. Phải trồng hàng cây
chắn. Thời gian chờ cây lớn, mở cổng hông đi cho khỏi phạm.
Trường
vẫn tồn tại. Theo cách liên kết với những thương hiệu đại học lớn, đào
tạo tại chỗ, sinh viên tốt nghiệp cấp bằng của trường lớn kia. Treo đầu
dê bán thịt chó cho qua đận gian nan chứ phòng ốc khang trang bỏ không,
xuống cấp cũng xót. Cố vậy, thời buổi này làm gì cũng khó…
Đó, vài đứa sinh viên uống cà phê quan sát vợ chồng lão là của trường này.
3.
Minh họa: Đặng Tiến
Vợ chồng lão vẫn ngồi câu bên hồ nước.
Xe
conteiner ầm ầm chở cây gỗ từ cao nguyên về cảng hàng ngày, mỗi lần qua
cầu rùng rùng. Xe máy nối đuôi nhau sáng sáng từ quê vào phố nườm nượp
thợ thuyền: ruộng đồng giờ giao cho người già, đàn bà con nít. Xe con có
lúc dừng trên cầu, vài vị khách trẻ nam nữ sang trọng ra ngắm những
bông súng trên mặt hồ. Những bông súng tự nhiên, màu đỏ hồng sâm sẫm,
đẹp vẻ nhuốm chút ma mị. Họ chỉ trỏ, trầm trồ rồi lên xe, nói hồi nào
thuê người xuống vớt về trồng.
Một
hôm, cái xí nghiệp phía trước nghe nói kinh doanh sản xuất chi đó người
hiếu kì bu quanh. Thấy công an rất đông rồi vào cổng như là đột ngột
giải quyết việc khá nghiêm trọng. Lão lơ đễnh quan sát, không kịp giật
cần làm sẩy con cá to, tiếc hùi hụi. Con cá nào sẩy là con cá to. Lão
tin vậy nên cáu, càu nhàu với vợ rằng cứ áp sát người làm lão giật cá
sẩy.
Mấy
phút sau, bọn cà phê cãi nhau ra trò, rằng xí nghiệp đó tàng trữ mấy
“công” hàng lậu, đứa khác bảo nghe nói có đứa giết người, ma túy hiếp
dâm gì đó trốn truy nã từ bắc vô làm công nhân cả chục năm nay mới lộ.
Gã chồng cô chủ quán cà phê chạy qua cầu sang bên kia cả tiếng đồng hồ
về bảo hình như đám công nhân ghen tuông giành gái đánh nhau đổ máu.
Chẳng biết thế nào. Cô vợ chủ quán cáu gắt, cái máu hóng hớt, nãy giờ
tui làm không kịp cho khách, sao không ở luôn bển. Chồng quán cười hì
hì, tui coi thử gì về kể cho em nghe chứ có đi chơi đâu.
Một
hôm phía cánh đồng đang đổ đất làm khu dân cư mới phía dưới cầu, đàn bà
con gái la lạc giọng. Đàn ông thì gầm gừ tức giận. Lát sau những người
mặc đồ công chức, tay cầm cặp giấy tờ, mặt khó đăm đăm từ đó lên lộ lấy
xe máy rồ đi.
Hóa ra người đàn ông to tiếng gầm gừ dấm dẳng thách thức lúc nãy là vị khách cà phê cờ tướng suốt ngày của quán.
-
Mẹ nó chớ, bọn mất dạy. Nó dám nói mười mấy cái mả đất trong vườn nhà
tao là mả giả. Tao bảo con cháu nhiều đời chết nhỏ nên chôn mả nhỏ. Nó
cười khinh khỉnh bảo, dòng họ nhà này chết chôn đứng hay sao đó, có hai
chục mét vuông mà mười mấy cái mả. Nó không chịu bảo phải khai lại. Mẹ
nó chớ. Tao cứ đếm số mả vậy, ngon không đền bồi di dời đi. Đổ máu liền,
đừng giỡn!
- Nó đòi ăn đó. Bọn này đâu quan tâm chuyện chôn đứng chôn nằm, ông cho tụi nó mấy đồng là xong thôi mà!
- Ăn cái con c…! Mọi thứ đền bù rẻ mạt, đổ nền rồi bán, giá gấp cả trăm lần, cướp trên đầu trên cổ dân còn đòi ăn…
-
Đám này đi làm kiểm kê ăn lương muốn kiếm thêm chút đỉnh hàng ngày. Chỗ
nào muốn được việc, mình cũng phải bôi trơn, thành lệ rồi.
-
Tao có nhờ người mời nhà báo về viết bài rồi, mấy triệu mấy tỉ tao cũng
trả, phải tố cái bọn cướp này cho mọi người biết, nhà báo nhận tiền
rồi, hứa sẽ viết bài.
- Ối trời, báo chí bây giờ cũng thật giả lẫn lộn, không biết đường nào mà lần ông ơi.
- Hừm… Tao có thằng cháu quen là luật sư, đừng giỡn…
- Há há, ông ơi, cái thứ dân đen thấp cổ bé họng mình…, trời xa lắm ông ơi!...
Cái
phao trừng lên thăng bằng, lão khảy cần câu quyết đoán. Con cá to, chạy
ùng ục một lát rồi bật òa lên ùng oằng những giọt nước lấp lánh. Lão
đưa tay suốt hờ từ trên xuống, nắm tròn phận cá, gỡ lưỡi câu. Bà vợ rời
lưng chồng chồm lấy giỏ lưới nhốt cá, xìa qua đón con mới. To héng. Ừm.
Mấy
con chuồn chuồn kim lia nhanh như chớn nắng rồi bình thản yên vị trên
mấy chót phao. Lão ném rào vụn thính, mấy con cá trắng láu táu trên mặt
nước xao sóng. Con cá lớn mới được khiến lão vãi thính hào phóng.
Chẳng
biết sao vùng nước xa xa hơn phía trước gần đám hoa súng cá lên ăn lao
nhao cả vùng rộng quanh một dề xâm xâm đen. Hình như bọn cá trong hồ
sáng nay tập trung cả vào vùng nước này chứ không phải vì mấy nắm thính
của lão.
Nghiêng
qua nhíp chút cà phê vợ thưởng, lão gắn lên môi điếu thuốc khoan khoái,
lơ mơ thả bụm khói. Cái xe container rùng rùng trườn qua cầu, bọn cá
phía xa giật mình cùng lúc quẫy nước biến mất, để lại trên mặt sóng xao
cùng cơn gió vừa lùa tới, một vật tròn như cái mâm dập duềnh.
Lão
đứng bật dậy làm cho bà vợ dựa dật sau lưng suýt nữa ngã ngửa. Lão dụi
dụi mắt rồi chăm chăm nhìn cái vật tròn. Tròn tròn... Coi thử cái gì
đang nổi chỗ kia?
Bà vợ nhìn thom lom một chút rồi thều thào, hình như là cái xác, an…h ơ…i. Cái xá…c ch…ết, xá… xá…c… chế…t…
Lão rúng động tâm can.
Dụi
dụi mắt đứng trân trân nhìn cái xác đàn ông trương phình. Lão biết đó
là xác đàn ông vì đàn ông chết nước nổi sấp, đàn bà nổi ngửa. Vật tròn
tròn nhô lên mặt nước là cái mông… Lão thều thào, “trút giỏ cá… trút giỏ
cá…”. Bà vợ lớ ngớ một chút rồi lập cập làm theo. Mấy con cá lạch tạch
rơi xuống nước, mất biến. Lão lồm cồm đứng dậy, “đi dìa…, đi dìa…, đi
dìa...”. Và khập khụng đi. Bà vợ ngơ ngác rồi líu ríu theo…
Nghe tiếng kêu líu lưỡi của bà vợ, bọn cà phê tò mò đứng bật dậy dòm ra mặt nước. Rồi tri trô, tri trô…
4.
Trên
dòng sông đêm pháo dù sáng như ban ngày. Bom và đạn pháo trút xuống. Gã
điếc đặc tai, tức ngực dìu cái xuồng con, bơi bộ chở những đồng đội qua
sông. Thành cổ bên kia vẫn ùng oàng chớp lóe chớp lóe. Đồng đội gã lớp
nọ lớp kia lên bờ rồi mất hút trong đó. Gã cứ bơi bơi dìu thuyền. Thỉnh
thoảng một xác người trương phình như con bò đụng thuyền, gã lách chút
rồi dìu qua. Trên dòng sông ngày như đêm tanh tưởi cả trăm xác chết của
ta, của địch. Cứ làm nhiệm vụ một đặc công nước. Dù nhiều lần chứng kiến
cả chục đồng đội chết bom chết đạn nhưng chưa bao giờ gã chứng kiến cả
trăm xác chết trương phình, bập bềnh trên mặt nước như những đêm chớp
lòe điếc đặc bom đạn như mưa. Tai gã không còn nghe thêm âm thanh. Tất
cả như lặng thinh. Cái dòng sông lặng thinh kì dị cứ bập bềnh trôi.
Trôi… Trôi…
Hơn
chục năm qua, lão đã về đốt mấy nén hương trên cái đài cao xây xoăn
xoắn. Rồi chầm chậm bước lại mấy lô cốt nhiều thương tích giờ rêu xanh
cỏ dại mọc đầy. Gặp người phụ nữ ăn mặc quý phái lúi cúi đốt nhang vái
vái. Lão hỏi, chồng chị hi sinh ở đây phải không? Người phụ nữ đáp, dạ
chồng em là đại úy thủy quân lục chiến, tử trận ở đây. Lão cúi chào, vừa
đi vừa lẩm bẩm, ừ, xương máu nào cũng là xương máu…
Rồi
ra bờ sông rải lên mặt nước yên bình những bó hoa. Cùng nhiều người…
Hỏi nhau đơn vị nào. À, lính bộ. À, đặc công nước. Người nào trên ngực
áo cũng lấp lánh huân huy chương.
Lấp lánh lấp lánh trong nắng.
5.
Người
ta xúm đông xúm đỏ trên cầu, trong quán cà phê coi vớt cái xác trương
phềnh. Những bác sĩ pháp y chờ sẵn bờ nước bên kia. Người dân có chiếc
thuyền câu cột cái xác chầm chậm bập bềnh cập bãi cỏ. Nhiều người hoảng
sợ bỏ đi. Nhiều người táo gan ngó cái xác được pháp y rọc rọc con dao
nhỏ bén ngót, tỉ mỉ xem xét, cắt mấy mẩu nội tạng nhỏ, trao đổi nhau,
ghi ghi gì đó trong tờ giấy. Rồi người của chính quyền chở tới cái hòm,
bỏ xác vào rồi chở đi chôn trong nghĩa địa thành phố cách đó mấy chục
cây số bên cạnh bãi rác thải sau dãy núi.
-
Thấy chưa, tao nói thằng trộm chó đêm đó ráng chạy thoát trận đòn nhừ
tử trong xóm nhảy ùm xuống cầu mà. Chắc nó bị đánh nặng quá, xuống nước
là chết. Mấy thanh niên đuổi theo chờ mãi không thấy nó ngóc đầu lên mới
bảo nhau đi về, tiếc hùi hụi…
- Thằng đồng bọn may mắn chạy thoát trên chiếc xe máy. Đúng là nó chưa hết số.
- Tội. Cái thời sinh ra đám trộm chó... Thời trước đâu có kiểu này.
- Ừ, bọn chó chết bây giờ sao nhiều thế không biết.
Mặt
hồ lặng sóng đã từ lâu. Mấy bông súng ma vẫn nở cái màu đỏ tím tuyệt
đẹp. Bọn cá vẫn ăn sóng, lao nhao. Xe vẫn nối nhau qua cầu. Đám chuồn
chuồn kim vẫn đậu trên mấy chót phao, thỉnh thoảng lia mấy chớp nắng li
ti đuổi nhau.
Nhiều
ngày sau bọn quán cà phê không thấy vợ chồng già ngồi câu bên hồ nước
nữa. Mấy cần câu vẫn nằm hờ hững lạnh hoang bên bến. Như là họ biến mất
tăm.
Rồi nhiều tháng sau dù mưa dù nắng vợ chồng già đó cũng không lại cái bến câu.
Thôi kệ họ. Hơi đâu.
Trại viết VNQĐ, Đồng Nai, 13/6/2018
L.H.L
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/vo-chong-gia-ngoi-cau-ben-ho-nuoc_8763.html