CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 53   

Xóm Rạch Cùng

Ông Hai Kỉnh bị câm điếc từ hồi cha sanh mẹ đẻ, lớn lên ở xứ kinh cùng nước cạn nghèo tàn nghèo mạt này. Mang tiếng là dân cố cựu miệt ruộng nhưng quá nửa đời vẫn không có nổi cục đất chọi chim, vẫn cái chòi lá xập xệ mé mương. Nhà tuốt cuối rạch nhưng ổng chuyên nghề vác lúa với gánh nước mướn ngoài xóm chợ. Tối ngày tà lỏn dính da với cái khăn rằn cũ sì vắt ngang tấm lưng trần mốc thếch. Gia tài của ổng có cái ghe năm chục giạ lợp mui bằng hai tấm cà-rèm, gắn máy kô-le luôn đậu sẵn dưới bến, tối ổng ngủ luôn trong ghe. Nửa đêm nửa hôm xóm giềng có ai sanh đẻ bệnh hoạn bất tử, cứ việc tới nắm cẳng ổng mà giựt. Ổng bật dậy “u ơ bập bập bơ!” rồi lật đật xỏ bộ bà ba đen, nổ máy cấp kì đưa bà con tới thầy bà, nhà thương…
Xom Rach Cung 1 12072018


Việc gánh nước đối với ổng như khúc dạo đầu thể thao buổi sáng, thích thì gánh chơi, không ưa thì thôi. Gánh nước lấy tiền nhưng ổng cũng coi như việc làm phước. Xóm chợ vài chục nhà cần xài nước sông nhưng ổng chỉ gánh cho chừng dăm bảy nhà là cùng. Ưu tiên nhà anh Sáu Lực cụt giò tới đầu gối, chuyên nghề sửa xe đạp. Tới anh Quân thợ may ốm nhom ốm nhách, rồi anh giáo Kim người mỏng như cây kim, gió thổi muốn bê. Tới bà Chín bán cau trầu thuốc rê không con cháu… Còn những nhà khác có trai tráng vai u thịt bắp thì ổng lắc đầu, cặp mắt cười nheo như nói, làm biếng nhớt thây thì xuống sông mà uống đi con, rồi ổng xua tay ra dấu tới giờ phải đi vác lúa nhà máy.

Chỉ một nhà có người khỏe mạnh nhưng đôi khi ổng buộc phải gánh vì nể nang, đó là nhà trưởng ấp Sung. Mấy bữa rày ổng để ý thấy mấy ông “cộm cán” trên xã sáng không ngồi quán cà phê như thường lệ mà ghé thẳng nhà trưởng ấp. Vợ trưởng ấp cũng là cán bộ Hội chữ thập đỏ xã. Nhà trưởng ấp có bộ bàn ghế đá đặt dưới gốc xoài tuốt sau hè. Ông Hai Kỉnh được trời bù cho cái tài cảm nhận mọi chuyện bằng cặp mắt. Nhiều chuyện động trời động đất xảy ra trong xóm trong làng mà đối với người bình thường phải giải thích đầu đuôi mới nắm được, nhưng khi thấy ổng kể lại bằng cách “ập bơ” ra dấu rành rọt, ai nấy cứ bật ngửa...

Hôm đó ổng thấy vợ trưởng ấp vừa pha vừa bưng ra từng li cối bự chảng, không phải cà phê, mà là sữa. Ổng quảy đôi nước vô ra nhà sau vừa liếc mấy ông cán bộ đang khề khà tấm tắc những li sữa đặc kẹo, bay mùi thơm lừng, béo ngậy. Rồi ổng thấy vợ chồng trưởng ấp khúm núm đon đả nhét vô cặp táp mấy chả mỗi người một bịch cả kí lô. Anh Ba “Bí”, anh Tám “Tịch”, chú Hai “Trận” rồi cả bộ sậu ủy ban đứng lên cười khà khà cám ơn, khoe những cái bụng đầy sữa, no nưỡng.

Ổng đi dọc bờ kinh vô nhà, miệng lẩm bẩm “ập bơ bập bơ”, tay vỗ vỗ trán như nhớ như quên chuyện chi đó. Bỗng ổng vỗ tay vỗ đùi nhảy cẫng lên “Ơ bơ, ơ bơ! Bập bơ ơ!”. Ổng nhớ ra, đúng ngay chóc rồi! Lúc nãy ổng thấy mấy cái thùng đựng sữa bột để dưới nhà bếp trưởng ấp Sung có in cái hình màu xanh, giống hệt như ổng từng gặp một lần hồi đi theo ghe vác lúa bên Đồng Tháp Mười. Cái hình vẽ hai bông lúa ôm vòng lấy quả địa cầu, trên quả địa cầu có hình người mẹ nâng đứa con lên. Lúc đó đang mùa nước nổi lênh láng, ổng thấy đàn bà ẵm con nít, bơi xuồng lũ lượt đi lãnh sữa. Không biết ai đã nói với ổng, đó là sữa của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF chi chi đó bên nước ngoài viện trợ qua, cho con nít suy dinh dưỡng với đàn bà mang thai ở mấy miệt đói rách nước ngập. Ổng tự đấm vô ngực mình rồi vung tay hét lên như khóc. Rồi ổng khóc rống lên ồ ồ thiệt tình lúc đi ngang chòm mả sát đường của gò nhị tì. Số là cách đây dăm hôm, một mình ổng lục cục cạy vách lấy tấm ván gòn đóng vội cái quách. Giữa ban đêm ban hôm một mình ổng mang xác đứa cháu ngoại hai tuổi đi chôn. Vai vác cái quách, tay cầm cái xuổng, cũng may còn cầm theo mấy cây nhang, không thì như chôn con mèo con chó. Cha mẹ nó đi cắt lúa mướn trong đồng lớn gần tháng nay, bầy con ở nhà giao đứa lớn chăm đứa nhỏ. Chạng vạng con chị chạy qua kéo tay ông ngoại ra dấu chỉ thằng em nó đang đau ban khỉ, ngủ từ sáng giờ không chịu thức! “Chắc nó chết queo gồi ông ngoại ơi!”.

Ổng vừa đi vừa gào lên “Ập bớ ớ ớ...” tay chân ra bộ múa võ, đá, thụi rồi gầm gừ tru lên như chó dại. Ổng chỉ tay vào không khí như trỏ vô từng bản mặt thịt đỏ au từng múi, những cái bụng bí rợ tối ngày ê hề rượu thịt còn cố tọng vô tràn họng sữa đúng ra là của cháu ông, của con nít đang chết khô chết đói đếm không xuể ở cái làng kinh cùng này. Ổng ra bộ hai tay bồng đứa cháu, nước mắt ổng chảy ròng ròng!

Rồi ổng ghé vô từng nhà múa may, xua tay ra dấu lẹ lẹ…

Chừng lát sau, đàn bà mang bầu từ đầu vàm tới cuối ngọn hú ới nhau ẵm những đứa nhỏ “mắc ban khỉ” lũ khũ kéo ra nhà ấp Sung lãnh sữa. Vợ chồng trưởng ấp trợn mắt kêu trời: “Sữa sùng gì? Ở đâu ra, ai thông báo hồi nào? Trời đất!”. Người này chỉ người kia. Tui nghe chị Tư kêu! Tui nghe thím Sáu kêu. Tui nghe vợ thằng Tám kêu... Nó nói sữa của nước ngoài viện trợ cho con nít còi xương chậm lớn. Nghe dzậy tụi tui đi thôi!... Đám đàn bà con nít kéo tới mỗi lúc mỗi đông rần rần như kiến cỏ. Vợ trưởng ấp - bà cán bộ phụ nữ kiêm Hội chữ thập đỏ xã mặt đỏ phừng phừng, đổ mồ hôi hột, giọng the thé: “Nè nè, yêu cầu bà con trật tự cho chút. Chính quyền tụi tui mần việc có nguyên tắc, quyền lợi chi của bà con sẽ có thông báo về khu về tổ, tới từng hộ đàng hoàng. Chớ không phải như đi chợ mua cá dzậy được!”. Rồi bả liền nghĩ ra một trò khá hiểm: “Giờ lỡ bà con đã tập trung ra đây, tui cũng xin thông báo luôn. Cả ấp mình đợt này được mười suất sữa bột, đặc biệt cho những cháu suy dinh dưỡng nặng. Mỗi suất cũng chừng mươi muỗng cà phê thôi, sữa tinh chất của nước ngoài mà, không có nhiều đâu... Còn điều quan trọng nữa, bà con lưu ý nhớ cho, khi tới nhận sữa phải đem theo giấy khai sanh và giấy chứng nhận của trạm xá xã về mức độ suy dinh dưỡng của các cháu. Thôi, giờ bà con giải tán!”.

Xom Rach Cung 2 12072018
Minh họa: Ngô Xuân Khôi


Vợ trưởng ấp đưa ra cái điều kiện quá ngặt! Nói thiệt, ở cái làng hóc bò tó này tìm ra đứa con nít có giấy khai sanh là chuyện hiếm như mèo đẻ ra trứng. Thường con nít tới năm, sáu tuổi, ai muốn cho con đi học mới chạy đôn chạy đáo mần khai sanh trễ hạn, không thì thôi. Con bầy con đống, đẻ như gà hơi sức đâu mà giấy với tờ, chạy ăn còn chưa kịp lấy đâu đóng tiền học. Nhiều đứa hai ba tuổi chưa kịp khai sanh đã khai tử bởi không sống nổi qua đốt ban khỉ. Bệnh ban khỉ là theo cách nói của bà con mình, nóng sốt thì đi thầy thuốc nam bốc thuốc tán ban về uống. Kiêng ăn cữ bú tới dặt dẹo khô queo, cái đầu nặng hơn cái mình. Một hai tuổi mà da nhăn như ông già bảy mươi, nhìn giống hệt con khỉ khô. Cho nên phải đẻ trừ hao. Nhà bảy, tám đứa là chuyện thường. Mấy ông bà già hồi đó sanh tới thứ mười mấy lận. Cán bộ đi vận động sinh đẻ kế hoạch thường nghe những câu đại loại như: “Ôi dào, tui bảy tám đứa rồi! Giỏi lắm vài ba đứa nữa là sạch ruột, hết trứng. Lấy đâu nữa mà triệt, mà buộc với thắt! Nghe tới mổ xẻ là ớn thấy ông bà ông vải! Đặt vòng à? Mấy cô mấy bà có cái vòng nào bằng vàng bốn số chín không? Đặt cho tui cái bự thiệt bự cỡ năm sáu chỉ, mơi mốt tui tháo ra bán đong gạo nuôi bầy lâu la của tui là chắc ăn nhứt. Ha ha! Còn lúc nào muốn nghỉ sanh nghỉ đẻ, chị em tụi tui đi qua ông thầy Chà bên Cồn Dừa thỉnh lá bùa là xong. Ông thầy hay đại tài nghe. Mấy người có chồng mười mấy năm không đẻ được, vợ chồng đi hết viện này tới viện kia trên thành phố tốn tiền bó không ăn thua. Dzậy mà tìm tới ổng mần phép cái một về là mang bầu cấp kì luôn!”.

Thầy Chà gốc người Chà Và, có người kêu Thầy Ba Núi Sập. Nghe nói thầy luyện bùa luyện phép nhiều năm trên Núi Sập giờ xuất sư “xuống núi” trị bá bệnh cứu người. Chị em trong xóm thường xúm nhau hùn tiền đổ xăng đổ dầu, kêu ghe ông Kỉnh Câm chở đi giờ nào cũng được. Cả xóm đàn bà cùng đi chung, kẻ trị bệnh người thỉnh bùa. Thầy cho nhiều thứ bùa hay thấu trời. Bùa mua may bán đắt, bùa ếm cho chồng khỏi mê vợ bé, mê cờ bạc đá gà… Cứ chạy ra khỏi vàm kinh là cái ghe y như nhóm chợ. Ông Kỉnh Câm ngồi sau lái, mà ổng có nghe có biết chi, nên mấy chị em cứ thoải con gà mái. “Nè, phải công nhận thầy cho bùa thôi bú hay hết ý nghe! Thằng nhỏ tui gần ba chục tháng cứ đeo cái vú dai nhách như đỉa. Tui mần đủ cách, bôi dầu gió, bôi lá sầu đâu, rồi bôi cả mật heo đắng, dzậy mà nó vẫn bám. Tui qua, ổng cho trái dừa tươi có vẽ chữ bùa bằng mực đỏ, với chịu khó mắc cỡ chút, vạch ngực cho ổng vẽ mấy chữ quanh cái núm nữa, nhột nhạt xíu đâu có chi, về nhà thẩy trái dừa cho thằng nhỏ nó ôm nó chơi, một hơi vạch vú ra, nó khóc ré nhắm mắt quay chổ khác như thấy ông kẹ, ông ma lồi...”. “Nè, mà nhớ chừng nào nó chịu dứt hẳn, lau cho sạch ba chữ bùa hãy cho thằng chồng lại gần nha. Mấy thằng chả mà thấy được, có khi nó nổi khùng lên, uýnh cho thấy mụ nội chớ đừng giỡn!”. Rồi: “Thằng chồng tui nó ác còn hơn quỷ sứ đầu thai, hôm thấy nó ra chợ xách về con lươn, miếng thịt bò với hai cái hột gà. Nó bằm lươn với thịt bò rồi quện với trứng gà, cứ tưởng nó nấu cháo cho thằng nhóc tui đang đau ban khỉ. Ai dè nó đem ra nhét cho ba con gà nòi đang nhốt trong bội ăn cho sung sức đặng đi đá. Tức trào máu hông. Tui chửi cho một mách. Nó nói mơi mốt tao đá ăn độ một trận năm bảy triệu, mẹ con mày mặc sức mà ăn. Lần này tui qua xin ông thầy lá bùa về, rồi nó biết tay tui! Thằng Tửng Em theo bồ bịch, vợ bé đi bỏ xứ còn lết đầu về kia kìa, đừng nói mê đá gà... Mà cái thằng cũng khùng đúng mức. Con vợ mới có đứa con, mặt mày sáng sủa đẹp hết chổ nói, cao ráo trắng trẻo như cục bột, nhiều thằng con trai còn dòm đứt con mắt! Dzậy mà thằng chồng bỏ bê hơn cả năm nay, chịu đời nổi hông. Nó đi qua thầy mần phép hai lần rồi. Tới lần này tự dưng cha Câm tui khoác tay ra dấu dứt khoát không cho nó đi nữa, không biết chuyện gì, người câm mà hơi sức đâu! Lần đầu mần phép xong thấy nó xuống ghe mặt mày sượng ngắt, đỏ phừng phừng. Lần sau thì thấy nó cười nói vui vẻ như mới trúng đề. Nó khoe, thầy kêu đem theo cái áo cũ của thằng Tửng Em chồng nó cho thầy xên bùa vô, rồi đem về để dưới đít cà-ràng ông táo. Thằng chồng đi đâu cũng thấy ruột gan như lửa đốt, dzậy là dẫn xác về. Nó kể, thầy còn vẩy nước phép vô người nó, thơm lắm, đặng quyến rũ cho chồng quay về. Nó kể tới đâu mình nghe tới đó, còn bùa ai phép ai nấy giữ, nói ra mất linh...”.

Muốn gặp được thầy phải bắt thăm bắt số, đi vô từng người một cách nửa tiếng đồng hồ. Từ chỗ bắt thăm đi bộ cả trăm thước mới tới am cốc của thầy. Cái nhà vách ván lợp lá nằm giữa vườn xoài vắng tanh vắng teo, la làng cũng không ai nghe. Cửa “cốc” lúc nào cũng khép, bên trong âm âm u u. Thầy ngồi xếp bàn trước bàn tổ, ở trần mình mẩy đen bóng, vai ngực cuồn cuộn, mặc quần bà ba đen thắt đai đỏ, hai tay đặt ngửa trên đầu gối, miệng lâm râm niệm chú. Ông Câm mấy lần phải cõng ông Tư Sừng đau bán thân bất toại vô tận nơi cho thầy chữa. Rồi cứ dăm ba hôm phải đưa đám đàn bà trong xóm tới thầy như đi chợ. Nhìn ngóng cách cười cách nói của chị em, cặp mắt trời cho của ổng thấy ra hết. Ổng linh tính nhìn ra hành tung của cha thầy Chà coi bộ rất mờ ám. Gương mặt này ổng nhớ hình như từng gặp đâu đó rồi thì phải. Ổng vò đầu nhăn trán suy nghĩ mãi không ra.

Cho tới hôm đang chạy ghe giữa sông, gặp ngay chiếc xuồng chở bông súng với bông điên điển, ông vỗ trán vỗ tay: “Ơ! Bơ ớ!”. Đúng ngay chóc mười mươi rồi, không trật đâu hết. Thằng cha chuyên lặn nhổ bông súng bên Đồng Tháp Mười! Cái đầu tóc quắn đeo, vàng cháy do dang nắng dầm nước, cái lưng đen thui bóng ngời… Chả thường ngồi bán ở mấy cái chợ bên miệt đó, hai tay khoanh khoanh lia lịa những cọng bông súng dài ngoằng bằng chiếc xuồng… Ổng lại một mình vỗ tay cái bốp: “Ơ bơ… ơ!”.

Mấy bữa rày ông Câm cứ lầng quầng quán cà phê bà Năm như muốn nói gì đó với mấy cha đàn ông trong xóm. Đám đàn ông này tối ngày hết nhậu tới ngồi quán kiếm chuyện tán dóc tào lao trên trời dưới đất. Sáng giờ mấy chả đang bàn tính đặt cho thằng Hùng Em trong xóm cái biệt danh để mơi mốt nó về ghẹo chơi. Hùng Em đi bộ đội đóng trên biên giới mới xuất ngũ về, ban ấp mời vô làm tổ trưởng công an nó lắc đầu. Hôm rồi có thằng bạn cùng đơn vị giờ làm việc bên Sở thương binh xã hội giới thiệu Hùng Em qua làm cán bộ quản giáo ở trung tâm phục hồi nhân phẩm, nằm bên cù lao Chiêng.

Sáng sớm Ba Hớn bước vô quán vỗ tay cái bốp cười khoái chí: “Có biệt danh cho Hùng Em rồi nghe mấy cha. Mà chính miệng ông già tía nó kêu nghe mới đã chớ!”. Chiều qua tui ra ruộng thấy già Chín đang một mình hì hục đắp bờ, tui hỏi: Thằng Hùng Em lúc rày mần gì chú Chín, sao chú không kêu nó ra phụ chú, già cả rồi. Ổng đứng lên chống cuốc thở cái khì: Nó đi mần cán bộ rồi. Bên cái chỗ chi chi đó. Cái tên dài cả dọc, kêu muốn trẹo bản họng... Nói cho mau là đi mần cán bộ. Cán bộ giữ đĩ!”. Cả quán vỗ tay lốp bốp: “Quá tuyệt! Chính xác luôn!”. Chỉ có Sáu Sanh ngồi trong góc là lắc đầu, chưa đồng ý: “Kêu dzậy nghe kì lắm các cha ơi! Mà tui còn nghe nhiều chuyện về cái trại này nữa. Không phải đĩ điếm không đâu. Có cả con gái nhà lành, gái có chồng bị bắt oan bắt ẩu tống vô nữa. Hồi hôm tui đi nhậu dưới Cái Sắn nghe kể, có con nhỏ nửa đêm nổi cơn ghen lội bộ đi kiếm thằng chồng từ xã này qua xã khác, gặp đám thanh niên nhậu về khuya giở trò khốn nạn, nó chống cự quyết liệt. Đang lôi kéo giằng co thì gặp toán dân quân ập tới bao vây quả tang. Một thằng ma giáo liền lẹ tay nhét tờ tiền vô xu chiêng con nhỏ, rồi vu cho nó là gái làm tiền. Đó, tình ngay lí gian... Tui khỏi kể tiếp, sự thể sau đó sao thì mấy ông đoán biết rồi. Tan nát một đời con người ta chớ phục hồi cái mẹ gì. Còn nhiều chuyện trời ơi đất hỡi nữa!”.

Bữa sau Hùng Em ở bên trại về, vừa bước vô quán ai nấy cười hô hô bắt tay: “Chào cán bộ… hì hì!”. Lúc đó ông Kỉnh Câm cũng vừa bước vô, ổng vỗ tay cái bốp cười tít mắt chỉ ngay mặt Hùng Em, rồi úp hai bàn tay vô ngực ra dấu “Bơ! Bụp bơ, bụp bơ!” rồi vỗ tay cười ngặt nghẽo. Cả quán vỗ tay cái rần: “Quá hay! Chính xác rồi. Kêu theo ông Kỉnh Câm nghe các cha. Cán bộ trại dzú! Cán bộ dzú! Kha kha khà!”.

Chiều hôm đó thấy ông Kỉnh Câm lội vô nhà kiếm Hùng Em, vẻ mặt ra bộ quan trọng. Hai người xì xì trao đổi chi đó lâu lắm. Cứ một lúc thấy ông Kỉnh Câm ụp ụp hai bàn tay vô ngực. Thường khi nói gì về đàn bà con gái ổng cũng ra dấu theo cách đó. Rồi cả hai vỗ tay nhứt trí tán thành việc gì đó, rồi Hùng Em lưu số điện thoại vô cái “Nó-kìa” cho ổng. Bình thường ổng vẫn đọc được “bột, ai, pa, pôn, ăm…”. Cả hai đắc ý cười tít mắt!

Hổm rày chị em trong xóm đi Thầy Chà như cơm bữa. Càng ngày càng đông. Sáng sớm đi, xế chiều về. Nghe lúc rày thầy có cho số, ngày nào cũng có người trúng bạc triệu như chơi. Vợ thằng Tùng Đen chiều qua trúng con 09 tới hai trăm tiền xác. Mười bốn triệu chớ ít à. Nó giấu bớt chớ chắc trúng nhiều lắm. Sáng nay Tùng Đen qua đại lí mang về chiếc Dream “tem lửa” mới cáu. Nghe nói ngày mai hai vợ chồng nó đi ghe chở heo quay qua cúng trả lễ thầy. Thằng Tùng Đen còn nói “Tui thấy xóa đói dễ ợt, vài gói mì tôm, vài lon gạo là hết đói liền. Giảm nghèo thì còn lâu. Hé he! Nhờ thầy cho số, trúng cái là giảm nghèo liền hà”.

Vợ Tùng Đen nó kể, mà nói nhỏ nghe thôi nha mấy mẹ, thầy cho số có sách vở đàng hoàng lắm. Thầy có cuốn sách coi nốt ruồi, sách in hẳn hoi nghe. Nốt ruồi son nổi lên chổ nào trong người là thầy lật sách coi nó ứng vô mấy con số nào, rồi thầy ghi vô giấy đưa cho mình... Ai không thấy nốt ruồi thì thầy lấy trái chôm chôm làm phép rồi lăn nhè nhẹ khắp mình khắp mẩy, một lát nó hiện lên. Hay dữ dằn hông? Chịu nhột nhạt chút xíu, mắc cỡ mẹ gì! Mấy bà có ham trúng số hông? (Đúng là ngày nào cũng có người trúng thật. Cứ hai chục người thầy cho người năm cặp số, đủ một trăm, trật đường nào.) Số người nào người nấy giữ kín mít rồi cứ êm ru về nhà đi hỏi bạc lúa già lúa non. Thoải mái “uýnh”, chờ tới chiều lấy giỏ hốt bạc...

Ngồi sau lái ghe, ông Kỉnh Câm cứ nhấp nha nhấp nhỏm, nhăn mặt lắc đầu coi bộ có gì đó bức bối lắm. Một hồi ổng móc điện thoại ra bấm bấm “Bập bập bơ ớ ơ” gật gật lắc lắc rồi đưa cái điện thoại vô sát tiếng máy ghe đang nổ. Mấy chị em thì cứ vỗ tay vỗ đùi cười ha hả, say sưa chuyện số má, chuyện ông thầy. Nè, bữa nay ông thầy có cho tui uống nước phép nha mấy bà... Lúc đầu tui thấy kì kì, không chịu cho ổng kiếm nốt ruồi, ổng nói nữ muốn trúng số không, rồi đưa tui nửa li nước phép để trên bàn tổ. Một hồi tui nghe trong người nó nóng rần rần, mặt mũi cứ phừng phừng, chắc là nốt ruồi son nó nổi cùng mình rồi. Chiều nay vô đếm tiền phụ tui nha mấy mẹ. Ha ha! Nói nhỏ nhỏ thôi, ông Câm ổng dòm kìa mấy mẹ. Ủa, ông điếc đặc mà biết mẹ gì!

Nè, đừng giỡn với người đui người điếc của cái làng này nha. Nghe chuyện bà Mù Sum bắt ăn trộm tiếng tăm để đời chưa. Sáng sớm bả ra bụi tre, mò mẫm phát hiện mất tiêu bốn mụt măng. Không la lối tiếng nào, bả êm ru bươi thêm phần gốc măng bị xắn trộm rồi dùng liềm cắt thêm một lát nữa. Bả chống gậy xách giỏ đệm đựng bốn lát măng vừa cắt, dò dẫm ra chợ, lần tới dãy bán măng. Giả bộ lựa chọn sờ mò một hồi, bả khớp mấy lát cắt vô mấy mụt măng đang bày bán, liền y chang không xê một li! Xong bả la làng cho cả chợ xúm lại chứng kiến, rồi bỏ măng vô giỏ đệm xách về. Đó, đừng có coi thường đui với điếc!

Sáng sớm bữa sau, ông Kỉnh Câm chắp tay ra dấu xin lỗi với mấy bà con ở xóm hôm nay ổng phải qua cù lao chở người bà con đau nặng đi thầy gấp. Ổng móc điện thoại “ập bơ ập bơ” rồi lật đật nổ máy, một mình chạy ghe đi.

Ông Kỉnh Câm cho ghe tấp vô bến cù lao. Hai cô con gái chừng hai mươi hăm ngoài dìu ông già vận bà ba đen cũ mèm, đầu cổ trùm khăn rằn run rẩy bước xuống. Ghe quay mũi đâm thẳng hướng qua cồn Thầy Chà. Hai người con trai chạy xuồng máy theo đàng sau.
Dìu ông già nằm tạm cái võng ngoài gốc xoài, hai cô gái như hai múi mít mật, mặc áo thun hở rốn, quần sọt ngắn ngủn khoe cặp giò trắng nõn chạy vô gặp thầy chắp tay mếu máo: “Thầy làm ơn làm phước cứu giúp tía con… Dạ tía con đau… nặng lắm. Bác sĩ chạy, kêu chuyển lên thành phố, nhà không có tiền. Khổ quá thầy ơi”. Rồi cô này kêu cô kia: “Mày ra ngoài coi chừng tía, lát chị thay phiên, để mình chị năn nỉ thầy”. Cổ chắp tay quỳ gập gối, hai bắp đùi trần căng lên như muốn bung cái quần sọt chưa đầy gang tay, ưỡn bộ ngực lồ lộ trước mặt thầy: “Thầy ơi thầy cứu giúp em đi thầy!”. Thầy nắm cánh tay cô gái đứng lên, vuốt vuốt tấm lưng áo thun bó rọ. “Nữ cứ bình tĩnh, yên chí đi! Thầy có cách giúp nữ ngay chiều nay có nhiều tiền, mai đưa tía lên thành phố chữa bịnh”.

Rồi y bổn cũ, thầy vớ cuốn sách coi nốt ruồi…
“Rầm!” Ván vách bung ra! Bóng đen phóng vô như chớp dí khẩu K54 vô ót Thầy Chà đang tồng ngồng như người rừng chưa đóng khố. Đàng trước hai thanh niên với ông Kỉnh Câm tung cửa nhào vô, vặc tay trói gô thầy lại. Hùng Em đút súng vô túi, lột cái khăn rằn trùm đầu hóa trang đưa cho một đồng nghiệp quấn cái chổ kín của thầy lại. Đồng nghiệp kia lập biên bản, thu gom tang vật: Quyển sách coi chỉ tay, nốt ruồi, chai “nước phép”, mấy trái chôm chôm, cái quần bà ba đen với cái đai đỏ của hắn. Ông Kỉnh Câm chỉ mặt Thầy Chà: “Bớ ớ ớ! Bụp bụp bơ!” rồi ra dấu lặn xuống ngoi lên, hai tay khoanh khoanh bông súng thành bó. Đúng ngay chóc là mày rồi! “Bập bập bơ ơ!...”.

Hai cô gái đấm lưng nhau cười ngặt nghẽo, một cô nháy nháy mắt chỉ ra mấy chùm xoài đang trĩu xuống: “Anh Hùng ơi, tụi em xin mấy trái về trại chị em ăn cho vui nha, nhìn thèm chết luôn!”.

Hai người đẹp xinh nhứt trại phục hồi nhân phẩm tung tăng xách chùm xoài chín hườm, ngồi trước mũi ghe vui sướng với thành công vai diễn “vô hang bắt quỷ!”.

Chiếc ghe chở “tổ chuyên án” rẽ sóng sông Hậu thẳng hướng lên thị trấn.

Trại sáng tác Đồng Nai, tháng 6/2018

Nguồn: vannghequandoi.vn
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 71526