Trong ngày làm việc cuối cùng dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới và khu vực tích cực hơn so với đầu năm nay, song còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên APEC đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác của Diễn đàn gắn hơn với những quan tâm và lợi ích thiết thực của từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.
Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả của Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC. Đây là sáng kiến của Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực, và cũng là lần đầu tiên có một hoạt động gắn kết một cách tổng thể các nỗ lực phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội, và thúc đẩy phối hợp chính sách và hành động giữa các ủy ban, nhóm công tác của APEC. Diễn đàn đã góp phần xây dựng nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC về phát triển bao trùm, trong đó sẽ có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm…
Hội nghị cũng đã thông qua 3 văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, gồm: Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, Bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, và Khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II), và nhất trí sẽ báo cáo các kết quả này lên các nhà Lãnh đạo APEC.
Việt Nam, trên cương vị chủ nhà, đã báo cáo với Hội nghị kết quả cuả Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Cuộc họp cao cấp về Y tế - Kinh tế, và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kết quả này sẽ được báo cáo lên các nhà Lãnh đạo APEC nhóm họp tại Đà Nẵng vào cuối năm nay.
Tiến độ dự thảo các văn bản định hướng dài hạn cho hợp tác APEC trong các lĩnh vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kinh tế số/kinh tế mạng cũng là những nội dung được đưa ra thảo luận.
Một nội dung quan trọng nữa của Hội nghị SOM 3 là việc triển khai các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển, trong việc đàm phán, ký kết và triển khai các RTAs/FTAs. Trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác mới đang hình thành ở khu vực, để nâng cao vai trò của APEC, các thành viên nhất trí việc thảo luận về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020 là rất cần thiết.
Hội nghị cũng đã thảo luận việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các hoạt động cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới, nhất là chương trình và nghị sự của các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao, nội dung và dự kiến các văn kiện sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và đệ trình Lãnh đạo; lịch gặp gỡ, tiếp xúc song phương trong dịp này.
Các thành viên cũng đã nghe trình bày về công tác chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng APEC phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11-15/9; Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và nền kinh tế sẽ tổ chức tại Huế vào ngày 26-29/9, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông và Hội nghị Bộ trưởng Lâm nghiệp do các thành viên APEC khác đăng cai.
Với gần 80 hoạt động kéo dài trong 13 ngày và tham dự của khoảng 3000 đại biểu, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của nhiều thành viên APEC, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, giới doanh nghiệp, học giả và truyền thông trong và ngoài nước, Hội nghị SOM 3 là hội nghị quan chức cao cấp APEC có quy mô lớn nhất của Năm APEC Việt Nam 2017.
Những kết quả của Hội nghị đã đáp ứng thiết thực quan tâm của các thành viên, các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đồng thời góp phần quan trọng vào việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Với việc đăng cai tổ chức SOM 3 và các cuộc họp liên quan, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn APEC. Các Bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam một lần nữa có dịp thể hiện sự đóng góp tích cực và chủ động cho các quan tâm của khu vực và quốc tế với nhiều sáng kiến, đề xuất mang tính dấu ấn.
Trong dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, giới thiệu ẩm thực đã được thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, giới thiệu tới các đại biểu APEC và bạn bè quốc tế hình ảnh một đô thị trẻ, năng động, hiện đại, và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới song vẫn đậm đà bản sắc vùng Nam Bộ Việt Nam./.
Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam